Giữ rừng... trong phố
Nằm trong lòng thành phố tấp nập, hàng trăm ha rừng vẫn được chăm sóc bảo vệ nghiêm ngặt và đang trở thành một điểm nhấn cho phố núi ngày thêm xanh tươi.
Từ năm 2005 đến nay, Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk được UBND tỉnh giao quản lý và chăm sóc khoảng 250 ha rừng nằm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với 7 khu rừng gồm: Lâm viên cảnh phường Tân An, Lâm viên Ea Kao, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường xã Hòa Thắng, rừng thông buôn Mduk (phường Ea Tam), rừng thông Tân Thành, rừng phường Khánh Xuân và rừng thông tổ dân phố 9 ( phường Ea Tam). Những diện tích rừng này trước đây thuộc quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp nhưng do quản lý không tốt nên một số diện tích rừng bị xâm hại và lấn chiếm.
Nhân viên bảo vệ Lâm viên cảnh phường Tân An tuần tra rừng. |
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch vật tư kỹ thuật của Công ty cho biết, khi mới nhận bàn giao lại, những cánh rừng này trong tình trạng bị khai thác nghèo kiệt, nhiều diện tích bị người dân lấn chiếm. Để phục hồi rừng, phủ xanh những diện tích đất trống, Công ty đã tiến thành lập Xí nghiệp Lâm viên cảnh phục vụ việc bảo vệ, trồng mới và chăm sóc rừng với 68 nhân viên chuyên trách. Hiện nay, ngoài những diện tích rừng nghèo kiệt tái sinh xanh tốt, Công ty đã trồng mới, phủ xanh được 16,8 ha đất trống, đồi trọc.
Lâm viên Phường Tân An là khu rừng nằm ngay giữa trung tâm thành phố rộng 50ha, Anh Huỳnh Văn Cảnh, đội trưởng phụ trách Lâm viên này cho hay, toàn đội có 26 người chia làm 2 tổ chuyên trách: chăm sóc cây xanh và bảo vệ, có nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ cây. “Việc trồng rừng ở đây rất kỹ lưỡng, mùa khô, các công nhân sẽ bơm nước từ các giếng lên tưới cho tất cả cây trồng bảo đảm đủ nước để cây phát triển. Cây rừng trồng mới được chăm sóc, bón phân trong vòng 3 năm cho đến khi cây lớn mới thôi. Những cây còi cọc, phát triển kém sẽ được thay thế kịp thời nên nhìn vườn cây sinh trưởng và phát triển rất nhanh”, anh Cảnh cho biết thêm. Do đặc thù những cánh rừng mà Công ty quản lý bảo vệ nằm ở thành phố, bốn phía đều giáp với dân cư nên việc quản lý, bảo vệ cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì thế đơn vị này phải cắt cử lực lượng bảo vệ tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm.
Anh Phạm Văn Ứng, nhân viên bảo vệ thuộc Lâm viên cảnh phường Tân An (có thâm niên 10 năm bảo vệ rừng ở đây) chia sẻ, do địa điểm khu rừng nằm ngay giữa phố nên thường có nhiều người đột nhập vào bắn chim thú, chích hút, trộm cắp… nên việc tuần tra kiểm soát cũng phải thường xuyên. Đặc biệt, vào buổi tối anh em bảo vệ hầu như phải thức trắng đêm để tuần tra rừng, bảo đảm kẻ gian không có cơ hội vào phá hoại, xâm hại đến rừng. Anh Nguyễn Cảnh Tuấn, cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp lâm viên cảnh cho biết, việc chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng này cũng gặp không ít khó khăn, nhất là rừng thông có khi phải dùng “chiêu” để tránh bị phá hoại. Ví dụ như vào dịp lễ Giáng sinh, Công ty phải cho người túc trực canh giữ thông từ 2-3 tuổi nhằm tránh kẻ xấu vào chặt trộm đem về bán hay trang trí. Ngoài ra, Công ty cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền cho người dân xung quanh về công tác quản lý bảo vệ rừng, vai trò của rừng đối với cuộc sống…; thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố và các phường, xã có rừng để triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả.
Ngày nay, nhiều du khách đến với TP. Buôn Ma Thuột không khỏi ngỡ ngàng, bởi bên cạnh một đô thị trẻ hiện đại vẫn còn giữ được những cánh rừng hoang sơ xanh tươi. Để có được điều này, chính là nhờ vào đầu tư hợp lý của địa phương, đơn vị chủ rừng và công sức của những nhân viên Công ty làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc