Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất

09:12, 05/10/2015

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, những năm qua, Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực động viên, khuyến khích hội viên, nông dân lao động sản xuất, cải thiện đời sống.

Là một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình nuôi gà siêu trứng, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết, tổ dân phố 9 (phường Tự An) đã sở hữu một trang trại cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân mỗi năm gần 500 triệu đồng. Trước đây, gia đình ông Thuyết chỉ nuôi gà giống với quy mô nhỏ để cung cấp cho các hộ dân trong vùng. Sau khi tham gia Hội Nông dân phường, được tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và được tham quan một số trang trại trong và ngoài tỉnh, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi gà siêu trứng cao hơn so với nuôi gà giống, ông Thuyết mạnh dạn đầu tư gần 4 tỷ đồng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Từ những kiến thức tích lũy được, năm 2005, ông xây dựng trang trại khép kín với quy mô khoảng 5.000 m 2 để nuôi gà siêu trứng theo hướng công nghiệp. Trang trại có máng ăn và hệ thống đường ống nước sạch tự động đảm bảo tiêu chuẩn cho phát triển chăn nuôi gà siêu trứng. Hiện nay, với số lượng nuôi hơn 10.000 con gà đang trong thời kỳ thu hoạch trứng, bình quân mỗi ngày gia đình ông Thuyết thu khoảng 9.400 quả trứng, với giá bán trung bình từ 1.600-1.700 đồng/trứng. Ông còn thu gom nguồn phân gà để bán làm phân bón cho cây trồng, mỗi năm thu được gần 100 triệu đồng. Ông Thuyết chia sẻ kinh nghiệm: “Trong chăn nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi là quan trọng nhất. Chuồng nuôi gà cần cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, chia thành các dãy, mỗi dãy gồm nhiều lồng gà, mỗi lồng nhốt 4 con và được đánh số thứ tự để tiện theo dõi sức khỏe và năng suất trứng. Ngoài ra, vì gà rất dễ mắc bệnh nên phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng các thiết bị khi nhập gà. Muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì thức ăn cho gà phải bảo đảm các thành phần dinh dưỡng”.
Ông Nguyễn Trường Đa (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây lấy lá cảnh
Ông Nguyễn Trường Đa (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây lấy lá cảnh

Gia đình ông Nguyễn Trường Đa ở tổ dân phố 5, phường Tân Hòa là một trong những hộ khá giả nhờ nguồn thu nhập từ mô hình trồng cây lấy lá cảnh. Trên diện tích 1,7 ha, ông trồng được gần 1.600 cây vạn tuế, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Trước đây, diện tích đất của gia đình được sử dụng trồng cà phê nhưng cho hiệu quả không cao nên ông Đa quyết định chuyển đổi giống cây trồng. Khi trồng hoa hồng và hoa cúc ông Đa nhận thấy dù cho thu nhập khá nhưng tốn nhiều công lao động và mỗi lần thay gốc lại mất nhiều chi phí đầu tư. Cũng trong quá trình sản xuất, ông phát hiện thấy thị trường hiện đang cần nhiều loại lá đi kèm để trang trí cùng với các loại hoa. Nghĩ là làm nên sau khi tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân phường tổ chức, đồng thời tự tìm tòi, học hỏi thêm qua sách báo, ông đã quyết định vay thêm vốn đầu tư trồng cây lấy lá cảnh. Ông Đa chia sẻ: “Vạn tuế là loại cây dễ trồng, không yêu cầu chăm sóc đặc biệt do nó có khả năng thích ứng cao với điều kiện ngoại cảnh và chỉ cần đầu tư 1 lần sẽ cho thu hoạch lá trên 20 năm. Tuy vậy cũng không nên để cây bị hạn hoặc thừa nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra lá. Khi cây ra lá non cần chú ý không làm gãy, dập. Do có đầu ra thuận lợi, ít sâu bệnh, lại nhẹ công chăm sóc nên gia đình tôi đang hợp đồng với các hộ xung quanh để mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây lấy lá khác như cỏ lan chi, cây trúc đốm…”.

Là một trong 3 phong trào thi đua lớn của các cấp Hội Nông dân, trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi luôn được thành Hội đặc biệt quan tâm. Cùng với việc vận động và khuyến khích hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hội còn chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cao để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Hội đã tín chấp, ký ủy thác với các ngân hàng hơn 96 tỷ đồng cho 6.936 hộ hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế; huy động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tạo điều kiện giúp trên 4.200 lao động có việc làm với thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Đến nay, toàn thành phố có 8.958 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp.

Rõ ràng, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã tạo được động lực giúp hội viên khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng hộ gia đình cũng như phát huy sức sáng tạo trong lao động để từng bước cải thiện và ổn định cuộc sống.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.