Những ghi nhận qua một niên vụ cà phê
Niên vụ 2011-2012 được đánh giá là “được mùa” nhất của ngành cà phê, với sản lượng gần 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cả nước gần 3,4 tỷ USD. Tuy được mùa được giá, nhưng ngành cà phê vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức khi niên vụ mới đang vào mùa.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên. |
Giá tốt
Niên vụ 2011-2012, giá thu mua cà phê trên địa bàn tỉnh dao động ở mức 40.000đ - 42.000đ/kg. Đây được xem là mức giá đem lại thu nhập khá cho người trồng cà phê. Chính vì thế, nếu xét về độ ổn định, niên vụ này, giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa khá bình ổn, không như niên vụ 2010-2011, có khi xuống còn 25.000 đồng/kg, có lúc lại tăng trên 52.000 đồng/kg. Còn về giá xuất khẩu dựa trên giá chênh lệch (differential) giữa giá niêm yết tại sàn giao dịch kỳ hạn robusta Liffe NYSE, London với giá tại cảng đi TP. Hồ Chí Minh (departure port), niên vụ này cũng nằm ở mức cao. Trong tháng đầu tiên của niên vụ (tháng 10-2011) , giá FOB của cà phê loại 2, 5% đen vỡ vẫn duy trì ở mức cộng thêm 100 USD/tấn như niên vụ trước so với giá tại London. Từ sau 31-10-2011, giá FOB thường được mua bán quanh mức trừ 30-40 USD/tấn duy trì đến cuối niên vụ. Đối với giá cà phê xuất khẩu trực tiếp đến các nhà rang xay, với sự tích cực của doanh nghiệp, lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp này liên tục tăng qua các năm, trong niên vụ này đạt 65.572 tấn, kim ngạch đạt 133,789 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân 2.040 USD/tấn. Tuy giá giảm 4,7% so với niên vụ trước nhưng cao hơn giá bình quân trên thị trường London khoảng 50 USD/tấn.
Tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lê Ngọc |
Có thể thấy những năm gần đây, giá cà phê đã bắt nhịp, bám sát với quy luật cung – cầu, không còn chịu chi phối bởi những nhà đầu cơ, vì vậy thị trường cà phê cũng đã trở nên ổn định hơn. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ Quyết định 481/QĐ-TTg của Chính phủ trong việc mua tạm trữ cà phê giúp nông dân, doanh nghiệp không bán ồ ạt từ đầu vụ mà chủ động tạm trữ nên giá bán không xảy ra biến động lớn mà được giữ vững đến cuối vụ. Thêm vào đó, một lợi thế cho những nước xuất khẩu cà phê robusta như Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng, đó là sự chênh lệch về giá giữa cà phê robusta và cà phê arabica trên thị trường thế giới đang dần thu hẹp khoảng cách. Nếu tỷ lệ của vài năm trước đây giá cà phê arabica luôn gấp 3 lần so với robusta thì 2 năm trở lại đây tỷ lệ này thu hẹp dần chỉ còn 1,5 lần.
Niên vụ 2011-2012, toàn tỉnh có trên 200.000 ha cà phê, tăng gần 9.500 ha so với niên vụ trước, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 190.000 ha, tăng 12.000 ha, với năng suất bình quân đạt 25,62tạ/ha, tổng sản lượng cà phê nhân xô đạt gần 488.000 tấn. Đây là niên vụ được mùa của tỉnh ta cũng như cả nước. Nguyên nhân do thời tiết khá thuận lợi cho thu hoạch cũng như trong phơi và bảo quản cà phê. Hơn nữa, đây lại là niên vụ được giá nên người dân tập trung chăm bón, năng suất, chất lượng vì vậy mà được cải thiện hơn. Thêm vào đó, với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững bước đầu đã mang lại kết quả. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê trong tỉnh: Dak Man, 2-9, Phước An, Thắng Lợi, Ea Pôk… đẩy mạnh thực hiện chương trình liên kết phát triển cà phê bền vững, cà phê có chứng nhận kiểm tra theo tiểu chuẩn UTZ Certified, 4C, RFA… Sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và người trồng cà phê theo các chương trình này đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cà phê. Còn đối với cà phê nhân xuất khẩu, doanh nghiệp không ngừng tăng cường đầu tư máy móc dây chuyền công nghệ nên chất lượng cà phê nhân xuất khẩu đã không ngừng được cải thiện, cà phê nhân chất lượng cao trong niên vụ 2011-2012 tiếp tục tăng, đạt trên 69.000 tấn, chiếm 23,3%; cà phê R1 trên 105.000 tấn chiếm 35,4%, còn lại là R2.
Niên vụ mới và những nỗi lo
Dù đạt hiệu quả, song ngành cà phê của tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những nguyên nhân chính, ảnh hưởng đến chất lượng mà ngành cà phê đang nỗ lực khắc phục đó là tình trạng hái xanh vẫn còn phổ biến. Do xuất phát từ nguyên nhân an ninh cho vườn cà phê chưa được bảo đảm, thiếu chính sách thu mua cà phê chất lượng cao từ phía doanh nghiệp… nên thị trường mua bán vẫn còn khá dễ dãi đối với cà phê thu hái xanh. Sự già cỗi và tái canh cây cà phê cũng là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành cà phê khi diện tích cà phê có tuổi đời trên 20 năm chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 30%. Nếu không sớm có biện pháp đẩy nhanh việc tái canh thì số diện tích quá già cho năng suất thấp (dưới 1 tấn/ha),hạt nhỏ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Làm thế nào để đẩy mạnh việc sản xuất phê theo chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cũng là một trong những thách thức hiện nay, bởi diện tích cà phê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này trong năm 2011 vẫn còn rất hạn chế với diện tích chỉ khoảng 8.850 ha và sản lượng ở mức khiêm tốn 26.000 tấn. Mặc dù trong những năm gần đây, mối liên kết giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ luôn được chú trọng đẩy mạnh giữa doanh nghiệp và người dân, nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, mới chỉ dừng lại ở mức giao khoán, thiếu phương thức hỗ trợ đầu tư cho nông dân nên việc phát triển vùng nguyên liệu thiếu bền vững.
Mùa thu hoạch 2012-2013 bắt đầu được 2 tháng, theo dự báo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) niên vụ 2012-2013, sản lượng cà phê của cả nước sẽ giảm khoảng 15%-20% so với niên vụ trước. Ở tỉnh ta, do tác động của thời tiết sản lượng cà phê sụt giảm trong vụ cà phê này cũng không ngoại lệ. Bên cạnh những tồn tại cố hữu, đây là nỗi lo không chỉ của người trực tiếp sản xuất cà phê mà còn là của những nhà hoạch định chiến lược phát triển cà phê bền vững.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc