Multimedia Đọc Báo in

Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh:

Thẩm tra 3 đề án về giảm nghèo bền vững, chương trình việc làm và phát triển du lịch tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015

17:30, 07/12/2011

 

Ngày 7-12, Ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra 3 đề án gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015; Chương trình việc làm tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015; Đề án phát triển du lịch tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015.

Theo dự thảo Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân 3%/năm. Nhiều chính sách giảm nghèo cũng được đưa ra như: chính sách tín dụng ưu đãi; đào tạo nghề; miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã biên giới, huyện khó khăn; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo… Với tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp 607 tỷ đồng, Chương trình nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các địa bàn khó khăn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và nhóm dân cư. Đóng góp ý kiến thẩm tra cho chương trình này, các thành viên của Ban Văn hoá – Xã hội nhất trí với các nội dung và cho rằng việc ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2011-2015 là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án làm rõ hơn một số nội dung như: chỉ tiêu giảm nghèo; vấn đề kinh phí thực hiện. Cụ thể, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 đã là 4,02%/năm, trong khi mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 là 3%/năm liệu có hợp lý, tương xứng với rất nhiều chính sách thực hiện. Theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo thì Dak Lak không có huyện nào nằm trong danh sách 61 huyện trên. Do vậy việc áp dụng mức hỗ trợ đầu tư bình quân để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với các huyện biên giới, huyện khó khăn của tỉnh là không có sơ sở.

Giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững
Giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

Đối với Đề án về Chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2011-2015, mục tiêu là giải quyết việc làm cho 130 nghìn người, trong đó số người giải quyết việc làm mới là 70 nghìn người; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%; giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5%; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 29% năm 2010 lên 40% vào năm 2015. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 1000 tỷ đồng. Qua nghiên cứu, Ban Văn hoá – Xã hội cơ bản thống nhất với nội dung của đề án đồng thời phân tích và làm rõ hơn một số vấn đề. Về tên gọi, theo đại biểu cần nêu cụ thể, làm nổi bật mục tiêu của đề án chứ không nên đặt chung chung với nội hàm quá rộng là Chương trình việc làm tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015, ví dụ có thể đặt là Chương trình dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015. Về mục tiêu chung, hiện nay tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,9%, trong đề án, UBND tỉnh lại đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này xuống dưới 3%, do vậy đề nghị được giải trình về cách đặt chỉ tiêu này. Vấn đề bố trí kinh phí cho các khoản mục tiêu đầu tư cũng được thành viên của Ban Văn hoá – Xã hội đóng góp ý kiến. Đơn cử về hoạt động đầu tư và hiện đại hoá Trung tâm giới thiệu việc làm; dự án đổi mới và phát triển dạy nghề; dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kinh phí thực hiện chiếm 87% tổng kinh phí của đề án nhưng UBND tỉnh chưa thuyết minh được số kinh phí trên sẽ được chi cụ thể như thế nào…

Mục tiêu
Mục tiêu của Chương trình là giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5%

Về Đề án phát triển du lịch tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015, với tổng kinh phí dự kiến là 1760 tỷ đồng, Đề án sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng mới cơ sở vật chất của ngành Du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch; đa dạng hoá du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng… Tính chung của cả giai đoạn, tổng doanh thu du lịch là 1.595 tỷ đồng, đón tiếp trên 2,2-2,3 triệu lượt khách. Qua thẩm tra, theo ý kiến của Ban Văn hoá – Xã hội, tổng số vốn dự kiến đầu tư là khá lớn, trong khi Đề án chưa cụ thể hoá mức phân bổ vốn cho từng năm, thực hiện vào những việc gì. Đề án chỉ đưa ra mức đầu tư cho việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư tôn tạo và trùng tu các di tích mà chưa thuyết minh được cho từng mức chi cụ thể. Ví dụ phải nêu rõ danh mục được trùng tu, tôn tạo, số lượng đào tạo, bồi dưỡng…

Các ý kiến đóng góp thẩm tra của Ban Văn hoá – Xã hội đối với các đề án được các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh tiếp thu, chỉnh sửa cũng như giải trình, làm rõ hơn để tiếp tục hoàn thiện.

Đàm Thuần

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.