Multimedia Đọc Báo in

Sẽ xử lý nghiêm việc các DN "bắt tay" để cùng tăng giá sữa

08:54, 05/03/2014

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ  Tài chính sẽ cử các đoàn thanh tra các doanh nghiệp (DN) sữa, xem có chuyện bắt tay cùng tăng giá hay không. Nếu có vi phạm, DN sẽ bị xử lý nghiêm.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về vấn đề quản lý giá sữa, sau khi Liên Bộ Tài chính-Công Thương và một số bộ, ngành liên quan họp bàn về công tác triển khai các đoàn kiểm tra giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Ông Tuấn cho biết, Liên Bộ thành lập 5 đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra 5 DN sản xuất và kinh doanh sữa để làm rõ việc các DN có tuân thủ văn bản điều hành giá sữa của cơ quan quản lý hay không. Nếu phát hiện trường hợp tăng giá bất hợp lý, Nhà nước sẽ tịch thu để sung vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà DN thu được do tăng giá quá mức. 5 DN bị kiến nghị thanh tra, kiểm tra, gồm: Công ty Mead Johnson, Công ty Nestlle Việt Nam, Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty trách nhiệm hữu hạn Frieslandcampina Việt Nam, Công ty Cổ phần dinh dưỡng 3A (phân phối sản phẩm sữa Abbot). Vì sữa là sản phẩm quan trọng, nằm trong danh mục nhóm mặt hàng hóa chịu sự quản lý giá của Nhà nước cho nên DN được quyền định giá, nhưng phải kê khai với cơ quan quản lý. Nếu kê khai không hợp lý, DN phải giải trình. Nếu giải trình thỏa đáng thì DN được quyền tăng giá. Trong trường hợp DN tăng đúng nhưng việc tăng giá đó khiến giá sữa tăng cao thì Nhà nước sẽ có một số biện pháp như điều hòa cung cầu; áp giá trần, giá sàn, để buộc DN phải kê khai giá; hỗ trợ thị trường... Nếu mất cân đối cung-cầu, Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá. Ví dụ, với Công ty Abbott Việt Nam (chiếm thị phần lớn trên thị trường), ông Tuấn cho biết: DN này vừa gửi hồ sơ kê khai giá với hơn 20 sản phẩm có mức tăng 5-7% từ ngày 15-3. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Công ty giải trình lý do tăng giá. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, quan điểm của Bộ Tài chính là bảo vệ người tiêu dùng, theo đó, giám sát chặt yếu tố đầu vào. Vì thế, cơ quan quản lý chỉ chấp thuận việc tăng giá khi yếu tố đầu vào biến động.  Việc xử phạt vi phạm hành chính ở góc độ quản lý giá chỉ là điều tiết thị trường và mang tính chất răn đe. Nếu DN lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường mà áp đặt giá để thu lợi bất chính thì sẽ bị cơ quan quản lý cạnh tranh trừng phạt.

Giá sữa tăng ảnh hưởng lớn đến việc chi tiêu của nhiều gia đình (ảnh minh họa)

Đối với hiện tượng có trường hợp giá bán lẻ ngoài thị trường cao hơn vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn đồng so với giá bán buôn mà DN đăng ký, ông Tuấn cho rằng: trước hết cần phải công khai giá bán buôn và giá bán lẻ sữa để người tiêu dùng được biết; đồng thời cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn trong việc quản lý và giám sát giá sữa.Việc thông tin giá sữa được công khai giúp cơ quan quản lý thị trường, thuế... thanh tra, kiểm tra, tăng cường trách nhiệm giải trình của DN về việc tăng giá sữa. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, các bộ đều chịu trách nhiệm trước Chính phủ theo chức năng phân công để thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia quản lý giá sữa. Bộ Tài chính mong các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Liên Bộ đưa tin kịp thời, chính xác nội dung thông tin mà các cơ quan quản lý cung cấp về thông tin quản lý điều hành cũng như trách nhiệm của các bộ để làm rõ trước dư luận.


Theo Chinhphu.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.