Multimedia Đọc Báo in

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Nhiều vướng mắc cần "gỡ"

08:12, 15/09/2023

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ban hành năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2008, 2014, là cơ sở pháp lý chặt chẽ và đầy đủ nhất, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam trong các đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk được tổ chức vừa qua, các đơn vị khẳng định, qua 24 năm triển khai thực hiện Luật đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Đặc biệt là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện các chế độ, chính sách quân đội đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chỉ huy các cấp; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, rất cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn. Rõ nhất là những quy định liên quan đến hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm; chức vụ, trần quân hàm đối với một số trưởng ban; chính sách nhà ở, bảo hiểm xã hội…

Sĩ quan Đại đội Thiết giáp (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) kiểm tra phương tiện.

Cụ thể, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh và BĐBP tỉnh đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Các đơn vị đề nghị nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan cấp úy, cấp tá trong quân đội, bảo đảm tương đương với độ tuổi của cấp úy, cấp tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) được quy định trong Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng.

Thực hiện theo Luật, hiện nay, sĩ quan cấp thiếu tá đủ 48 tuổi phải nghỉ hưu, nếu không được bổ nhiệm chức vụ có trần quân hàm cao hơn. Điều này chưa hợp lý, bởi thực tế cho thấy, số lượng sĩ quan giữ chức vụ trợ lý thuộc các cơ quan có quân hàm thiếu tá rất nhiều, hầu hết được đào tạo cơ bản, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, phương pháp công tác tốt, có sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, nhưng phải nghỉ hưu. Như vậy, sẽ chưa sử dụng hết được nguồn cán bộ, sĩ quan có chất lượng, đồng thời, không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng tỷ lệ phần trăm lương hưu tối đa theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Sĩ quan Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia tuần tra bảo vệ biên giới.

Liên quan đến quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, Bộ CHQS tỉnh đề nghị xem xét, điều chỉnh chức vụ Trưởng các ban: Dân quân tự vệ (Phòng Tham mưu); Tuyên huấn, Tổ chức, Cán bộ (Phòng Chính trị) tương đương chức vụ Trung đoàn trưởng (Chính ủy trung đoàn), trần quân hàm thượng tá. Các ban nói trên có một trợ lý tương đương chức vụ tiểu đoàn trưởng (chính trị viên tiểu đoàn), trần quân hàm trung tá. Hiện nay, các Ban Tuyên huấn, Tổ chức, Cán bộ (Phòng Chính trị) phải tham mưu, đề xuất nhiều công việc quan trọng cho Thường vụ Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh trong tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, cũng như Ban Dân quân tự vệ trong tham mưu xây dựng lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh, nhưng chức vụ trưởng ban chỉ tương đương tiểu đoàn trưởng (chính trị viên tiểu đoàn), trần quân hàm trung tá; trợ lý tương đương đại đội trưởng (chính trị viên đại đội), trần quân hàm thiếu tá. Như vậy, là chưa phù hợp, chưa thật sự tạo động lực mạnh mẽ để đội ngũ sĩ quan phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tương tự, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề nghị nghiên cứu, nâng trần quân hàm Trợ lý cơ quan Biên phòng tỉnh lên trung tá vì thực tế, trong lực lượng, hiện có nhiều đồng chí trợ lý đã qua chỉ huy cấp đồn biên phòng. Mặt khác, từ khi thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-BTL của Bộ Tư lệnh BĐBP quy định về tổ chức biên chế thì một số ban sáp nhập, giải thể, chỉ còn trợ lý trực thuộc phòng.

Tại Khoản 7, Điều 31 của Luật quy định sĩ quan tại ngũ “được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, cán bộ được thụ hưởng chính sách nhà ở, đất ở hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang tỉnh chỉ đạt 9,67%. Các đơn vị cho biết việc bố trí, quy hoạch quỹ đất để cấp cho sĩ quan còn gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, thu nhập của đội ngũ sĩ quan còn thấp, không đủ khả năng mua nhà ở, đất ở. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí hợp lý, bổ sung vào tiền lương để sĩ quan có khả năng mua nhà ở, đất ở nhằm ổn định hậu phương gia đình, đồng thời giải quyết được tư tưởng cho cán bộ, sĩ quan an tâm công tác và phục vụ lâu dài trong quân đội.

Các đơn vị đề nghị tăng tuổi phục vụ tại ngũ cho phù hợp thực tế. Bởi quy định về tuổi nghỉ hưu theo cấp bậc quân hàm, thì phần lớn sĩ quan có cấp bậc quân hàm trung tá trở xuống khi nghỉ hưu sẽ không đủ điều kiện để hưởng mức 75% tính lương hưu do không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ của quân đội nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng luôn gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. BĐBP tỉnh đề xuất cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cần phải có chính sách ưu tiên tuyển chọn đầu vào để đào tạo sĩ quan là người dân tộc thiểu số, cũng như mở các lớp cử tuyển tạo nguồn sĩ quan.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc