Multimedia Đọc Báo in

Vững nền móng cho hành trình "luyện thép" (kỳ 1)

08:21, 02/06/2022

Có một mặt trận không tiếng súng, có một mặt trận những tưởng không dãi nắng dầm mưa… nhưng mặt trận ấy lại đóng vai trò tiên quyết và nền tảng cho mọi sự bắt đầu và song hành trên tất cả các lĩnh vực của công tác huấn luyện chiến sĩ…

Kỳ 1: Củng cố trận địa tư tưởng cho chiến sĩ

Công tác tư tưởng – "chiếc chìa khóa" quan trọng này ngay từ cấp cơ sở đã được coi trọng và xem đây là nền móng để mở "cánh cửa" thành công cho xuyên suốt quá trình huấn luyện tại các đơn vị quân đội.

Nỗi niềm chiến sĩ mới

Mùa tòng quân hằng năm, các đơn vị quân đội trong toàn quân đón nhận và huấn luyện hàng vạn chiến sĩ trên cả nước. Riêng tại Đắk Lắk, có hàng nghìn thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự ở các đơn vị trong, ngoài tỉnh và địa phương cũng đón rất nhiều công dân từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đến thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95 cùng học tập chính trị.

Tuổi mười tám đôi mươi, lần đầu xa gia đình khiến đa phần chiến sĩ gặp nhiều khó khăn khi làm quen với môi trường kỷ luật thép. Áp lực, thử thách và cả sự chông chênh là điều không tránh khỏi đối với họ.

Với nhịp sống hiện đại, nhiều bạn trẻ vốn quen giờ giấc thoải mái, ăn mặc, đi đứng tự do nên khi vào guồng khoa học, kỷ luật, nghiêm minh, chấp hành các điều lệnh trong quân đội sẽ ít nhiều cảm thấy gò bó, bức bí. Bước vào môi trường quân ngũ cùng quá trình, cường độ huấn luyện ngày càng cao, thời kỳ đầu họ dễ nảy sinh tâm lý mệt mỏi, căng thẳng.

Tốt nghiệp THPT, chiến sĩ Trần Trung Hội lần đầu xa gia đình (ở Quảng Ngãi) để học tập, rèn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Khác với khí hậu vùng đảo Lý Sơn ôn hòa, thời tiết khắc nghiệt, thất thường ở biên giới Buôn Đôn đã khiến nhiều chiến sĩ đến từ Quảng Ngãi bị ốm. Hội tâm sự: “Bỏ áo thư sinh mặc áo lính, chúng tôi như bước qua hai môi trường hoàn toàn khác biệt. Giữa khi ốm đau, tôi lại càng thấy “choáng” và mệt mỏi bởi nhịp sống quân ngũ quá khuôn khổ, giờ giấc. Nhưng đến khi vượt qua rồi, tôi lại thấy yêu hơn đơn vị mình đang sống”. Còn với chiến sĩ Hà Xuân Đức, dẫu nhà ở ngay huyện vùng biên Ea Súp, cách đơn vị vài chục cây số, nhưng khi vào guồng sống mới cũng không tránh khỏi những chòng chành. Anh thật thà: “Quen thói lề mề, chậm chạp nên khi vào đơn vị, tôi phải rèn rất nhiều để tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Những ngày đầu, cơ thể ê ẩm, nặng nề, tôi cứ ngỡ như mình chẳng thế thích nghi được”.

Một giờ học tập chính trị ở Lữ đoàn Đặc công 198.

Không chỉ bản thân nội tại chiến sĩ có những trở ngại ban đầu, mà tư tưởng của họ còn bị tác động bởi môi trường xung quanh, từ người thân, bạn bè, gia đình. Thực tế đã từng có những trường hợp thể hiện thái độ mất tập trung trong thực hiện nhiệm vụ, tỏ ra buồn chán, tìm cách xin về, trốn ra ngoài…

“Ngoài mệnh lệnh hành chính, thì cán bộ cần phải thực sự yêu thương, xem bộ đội như người thân, quan tâm, lắng lo và khoan dung như chính người anh, người chị với em út của mình. Chiến sĩ mới như một tờ giấy trắng, chỉ cần cán bộ thờ ơ, vô cảm với những biểu hiện rất nhỏ của các em, cũng rất dễ để lại hậu quả khó lường”.

Thiếu tá Mai Quốc Lĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95

Còn nhớ hơn một năm về trước, Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) từng nháo nhào vì sự việc chưa từng xảy ra. Vì quẫn bách, người vợ trẻ đã mang con lên tận Tiểu đoàn, giao đứa bé mới vài tháng tuổi lại cho chồng – chiến sĩ mới L.C.M. rồi bỏ đi. Trước tình huống bất ngờ, đơn vị vừa động viên tư tưởng M., vừa tìm hiểu ngọn ngành mới biết rằng, vợ M. làm nghề cắt tóc nhưng do dịch COVID-19 phức tạp nên nhiều tháng liền chị không có thu nhập. Thiếu đi chỗ dựa, chị túng quẫn, khó khăn nên làm liều mang con bỏ lại doanh trại. Để giải “bài toán” khó xử, đơn vị đã liên hệ người vợ, thân nhân gia đình cùng chính quyền địa phương đến trao đổi, làm việc. Cùng với lắng nghe sẻ chia của người trong cuộc, Trung đoàn 584 đã trích quỹ hỗ trợ gia đình mỗi tháng 1 triệu đồng. Cuộc gặp gỡ cần thiết và thấu tình đạt lý giúp người vợ trẻ giải tỏa tâm lý chất chứa trong lòng, còn anh M. thêm an tâm tư tưởng để tiếp tục làm tròn nghĩa vụ của người lính…

"Xây móng" trong môi trường kỷ luật thép

Lữ đoàn Đặc công 198 (Bộ Tư lệnh Đặc công) là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh trực tiếp tổ chức thâm nhập “3 gặp, 4 biết” (gặp công dân, gặp gia đình, gặp địa phương và biết sức khỏe, biết văn hóa, biết lai lịch, biết phẩm chất đạo đức) trong tuyển quân. Bởi đặc thù này, Lữ đoàn luôn đi trước một bước trong thực hiện công tác tư tưởng cho công dân nhập ngũ. Theo đại tá Nguyễn Minh Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn, việc tiếp xúc, kết nối tại địa phương, gia đình và trực tiếp công dân như "kiềng ba chân" giúp đơn vị nắm rõ hoàn cảnh, tư tưởng tình cảm, tâm tư nguyện vọng cũng như thái độ của thanh niên. Từ đó có những biện pháp, cách giải quyết kịp thời, thấu đáo, giúp họ thêm yên tâm tư tưởng trước khi thực hiện nhiệm vụ được giao phó.

Cũng bởi thấu cảm những khác biệt giữa nhịp sống trẻ hiện đại và môi trường kỷ luật thép nên ngay từ khâu tuyển quân, Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị chức năng đã ban hành các công văn, hướng dẫn liên quan nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả mọi mặt công tác để 100% công dân yên tâm lên đường nhập ngũ. Trong rất nhiều hội nghị chuẩn bị công tác tuyển quân hằng năm, việc thực hiện chính sách quân đội, hậu phương quân đội được các đơn vị đề cao và triển khai bằng những hoạt động thực chất, hiệu quả.

Luyện tập điều lệnh đội ngũ ở Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95.

Và ngay ở các đơn vị tiếp nhận chiến sĩ mới, chỉ huy các cấp luôn bám sát phương châm: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội phải thực hiện ngay từ đầu, thường xuyên, kiên trì không chỉ những tháng tân binh mà xuyên suốt cả quá trình huấn luyện bộ đội.

Tại Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2), hằng năm đơn vị tiếp nhận gần 1.000 chiến sĩ đến từ nhiều tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Những khác biệt về ngôn ngữ, địa phương, phong tục tập quán, hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa cùng môi trường rèn luyện kỷ luật đã khiến một số chiến sĩ có tâm lý căng thẳng, lo lắng trong những ngày đầu huấn luyện. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc nắm bắt tâm tư, tình cảm và hỗ trợ chiến sĩ bắt nhịp, hòa đồng trong môi trường tập thể của quân đội là nhiệm vụ không đơn giản. Có những trường hợp đặc biệt, đơn vị đã mời cả gia đình lên thăm doanh trại để qua đó cùng động viên, trở thành hậu phương thực sự cho chiến sĩ. Thiếu tá Mai Quốc Lĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 95) chia sẻ: “Bị tác động bởi nhiều luồng tư tưởng, có chiến sĩ bộc lộ trên gương mặt, thái độ, hành động hằng ngày, nhưng cũng có những trường hợp giấu kín cảm xúc. Bởi vậy mà cán bộ các cấp cần bám nắm, tinh tế chuyện trò, sẻ chia kịp thời để đả thông tư tưởng cho bộ đội ngay từ đầu”.

 (Còn nữa)

Kỳ 2: Những giáo án đặc biệt

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc