Multimedia Đọc Báo in

Điều trị hiệu quả các bệnh lý mạn tính bằng phương pháp cấy chỉ

10:47, 14/07/2024

Cấy chỉ hay còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ, nhu châm là phương pháp đưa một loại chỉ tự tiêu đặc biệt vào huyệt của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài, tạo nên tác dụng điều trị như châm cứu. Phương pháp này được Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) triển khai từ năm 2021 và đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh.

Theo bác sĩ Tạ Văn Nhạn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), cấy chỉ là phương pháp điều trị không dùng thuốc. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ dùng cây kim chuyên dụng đưa đoạn chỉ tự tiêu vào các huyệt đạo theo phác đồ điều trị của từng loại bệnh. Phương pháp cấy chỉ giúp khí huyết lưu thông, giảm đau, điều hòa hoạt động của cơ quan phủ tạng, tăng tuần hoàn và tăng nuôi dưỡng đến vùng điều trị.

Sợi chỉ tiêu sẽ nằm trong huyệt đạo liên tục trong 10 - 15 ngày, nhờ đó kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể liên tục, giúp chuyển hóa dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, rút ngắn quá trình điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc cấy chỉ cũng giúp làm chậm quá trình thoái hóa, kích thích huyệt đạo giúp xương khớp khỏe mạnh và tăng cường nuôi dưỡng hệ thần kinh, hơn thế cấy chỉ còn đem lại hiệu quả lâu dài.

Cấy chỉ có hiệu quả cao trong điều trị nhiều bệnh mạn tính, nan y, giúp bệnh nhân giảm đau, giảm co thắt và cho tác dụng nhanh, bệnh nhân có thể cảm nhận bệnh thuyên giảm ngay sau liệu trình đầu tiên. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả điều trị cao, bác sĩ cần khám bệnh và chẩn đoán đúng, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp.

So với phương pháp châm cứu phải thực hiện liên tục trong nhiều ngày thì đối với phương pháp cấy chỉ, bệnh nhân chỉ cần thực hiện vài lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày, có thể điều trị ngoại trú, giảm bớt thời gian và chi phí điều trị, an toàn và không gây ra các tai biến nguy hiểm, giảm lượng thuốc phải dùng kết hợp điều trị. Cũng giống như châm cứu, khi thực hiện cấy chỉ, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau như kiến cắn hoặc không cảm thấy gì.

Bác sĩ Tạ Văn Nhạn thực hiện cấy chỉ cho bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng. Ảnh: Quang Nhật

Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) triển khai thực hiện phương pháp cấy chỉ từ năm 2021 và đến nay, hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh như: đau lưng, đau thần kinh tọa, thoái hóa  cột sống, hội chứng cổ vai gáy, mất ngủ kéo dài, bệnh nhân liệt sau tai biến mạch máu não… đã được bệnh viện điều trị rất hiệu quả, không có biến chứng xảy ra. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Khoa Y học cổ truyền đã cấy chỉ cho gần 4.000 lượt bệnh nhân, hầu hết những trường hợp này đều tin tưởng vào phương pháp cấy chỉ và hài lòng về chất lượng điều trị.

Bà N.T.V. (58 tuổi, ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) bị thoái hóa cột sống cổ nhiều năm nay. Bà V. đã đi châm cứu thường xuyên ở nhiều nơi nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì các triệu chứng mỏi vai, mỏi cổ, đau vùng thắt lưng, tê bì hai bả vai lại xuất hiện. Sau khi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám bệnh, được các bác sĩ giới thiệu về phương pháp cấy chỉ, bà V. đồng ý thực hiện và chỉ sau đợt trị liệu đầu tiên, các triệu chứng bệnh đã giảm hẳn. “Tôi thấy phương pháp này cải thiện bệnh một cách rõ rệt. Thời gian trị liệu một lần khoảng 20 ngày nên cũng rất thuận tiện cho việc đi lại. Giờ tôi không còn đau nhiều như trước, làm việc, sinh hoạt bình thường”, bà V. chia sẻ.

Còn ông C.T.H.H. (60 tuổi, ở huyện Krông Pắc) bị mất ngủ triền miên. Ông cũng đã đi khám và uống thuốc song được một thời gian thì triệu chứng mất ngủ lại tái diễn. Ông tìm đến phương pháp cấy chỉ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để mong cải thiện được giấc ngủ. “Sau khi điều trị, tôi cảm thấy hiệu quả rõ rệt, lúc trước tôi chỉ ngủ được từ 2 - 3 giờ/đêm, mà phải thức giấc từ 1 - 2 lần thì nay ngủ được từ 4 - 5 giờ,  không phải thức giấc giữa chừng. Cơ thể cũng không uể oải như trước vì giấc ngủ đã cải thiện”, ông H. chia sẻ.

Bác sĩ Nhạn cũng khuyến cáo, mặc dù có nhiều ưu thế trong điều trị bệnh nhưng phương pháp cấy chỉ cũng có những chống chỉ định với các bệnh nhân đang sốt cao hoặc các vị trí huyệt bị vết thương hở; không áp dụng trên những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, ung thư... Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và phòng tránh những tác dụng không mong muốn, người bệnh cần lưu ý một số điểm trước khi thực hiện trị liệu: tuyệt đối không uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích; không cấy chỉ khi cơ thể đang mệt mỏi; sau cấy chỉ nên ngồi lại ít nhất 15 phút để theo dõi các phản ứng của cơ thể, sau khi thực hiện trị liệu trong vòng từ 4 - 6 giờ bệnh nhân không tắm hoặc ra ngoài trời gió…

Ngọc Lan - Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc