Multimedia Đọc Báo in

Bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa “hạ nhiệt”

08:01, 08/12/2022

Mặc dù đã qua giai đoạn đỉnh dịch, song bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, số bệnh nhân SXH chuyển nặng và tử vong liên tiếp gia tăng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những ngày qua, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị SXH vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), diễn tiến bệnh SXH rất phức tạp và khó tiên lượng. Bệnh có thể chuyển nặng ở bất kỳ người nào, bất kỳ lứa tuổi nào. Do đó, người dân không được chủ quan và nhận thức sai lầm về bệnh SXH.

Khi người bệnh mắc SXH ở mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà, song vẫn phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của bệnh, bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng bất cứ lúc nào. Bệnh SXH nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc SXH, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác và có thể gây tử vong…

Trong giai đoạn đầu khởi bệnh thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi nên cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh, nhất là trẻ nhỏ.

Một trường hợp mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho thấy, tính đến ngày 5/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 9.795 trường hợp mắc SXH trong đó có 7.022 trường hợp mắc SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 151 trường hợp SXH Dengue nặng và đã ghi nhận 10 trường hợp tử vong vì SXH.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết, đến thời điểm này, số ca bệnh đã tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận đủ 4 type huyết thanh gây bệnh SXH từ Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Chính vì có nhiều type huyết thanh nên việc bệnh nhân trở nặng, tiền sốc, sốc SXH rất dễ xảy ra, gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh, trong đó tỷ lệ tử vong vì SXH trên địa bàn tỉnh khá cao, chủ yếu nằm ở thể có xuất huyết và ở type Dengue 2.

Cán bộ y tế kiểm tra lăng quăng (bọ gậy) tại khu vực dân cư trên địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Mai Lê

Được biết, nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong do SXH gia tăng là do các bệnh nhân có nhiều bệnh nền và chủ quan, mua thuốc uống tại nhà, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Lúc này, mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, nhưng do bệnh quá nặng, không cứu chữa được. Trước tình trạng này, ngành y tế đã tham mưu tích cực cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã phân tuyến điều trị SXH một cách phù hợp và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận biết các dấu hiệu nặng của bệnh nhằm điều trị kịp thời, tránh các trường hợp tử vong không đáng có. Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các tuyến tăng cường việc quản lý, điều trị bệnh nhân SXH tại các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẵn sàng đủ các loại thuốc và trang thiết bị y tế để kịp thời xử lý các trường hợp SXH nặng.

Bác sĩ Lê Phúc cho biết thêm, nhằm ngăn chặn dịch SXH gia tăng trong những tháng cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý môi trường chung quanh nhà ở và trong khu dân cư, đồng thời tăng cường các lớp tập huấn, triển khai công tác xét nghiệm, chẩn đoán nhanh để triển khai, xử lý các ổ dịch khi phát hiện có bệnh nhân. Để hạn chế bệnh nhân tử vong do SXH, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo, người dân khi có các triệu chứng mắc SXH thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.