Multimedia Đọc Báo in

Tham gia bảo hiểm y tế cần thiết với người nhiễm HIV/AIDS

08:41, 24/07/2022

Cho đến nay, bệnh AIDS do vi rút HIV gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu có thể chữa khỏi hoàn toàn, chi phí điều trị bệnh có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người bệnh và trở thành gánh nặng cho cả gia đình.

Với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV là liên tục và suốt đời.

Các chuyên gia ước tính một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) phải chi trả khoảng 6 - 13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội. Việc tham gia BHYT sẽ giúp bệnh nhân HIV/AIDS giảm bớt đáng kể gánh nặng chi phí điều trị.

Tuy nhiên, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng. Điều đó khiến người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, họ khó tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng, chống lây nhiễm HIV cũng như khó tiếp cận với các dịch vụ y tế dẫn đến tình trạng bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS mới tìm đến cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm HIV không tham gia BHYT do sợ lộ thông tin; không đến cơ sở y tế để được tư vấn khám, cấp phát thuốc nguồn BHYT mà đi mua thuốc ngoài tự điều trị dẫn đến tốn kém, hiệu quả điều trị thấp, không đánh giá được tình trạng bệnh của mình.

Trên thực tế, người tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT không bị lộ bí mật thông tin cá nhân hoặc bị kỳ thị phân biệt đối xử. Vì việc bảo mật thông tin cá nhân người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng được quy định bởi Luật Khám chữa bệnh và các quy định pháp luật khác.

Việc người nhiễm HIV có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không làm thay đổi quy định này. Chỉ có người nhiễm HIV và nhân viên y tế mới biết được tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân. Ngoài ra, khi người nhiễm HIV đến khám tại các cơ sở khám bệnh cũng thực hiện quy trình khám chữa bệnh chung như mọi bệnh nhân khác nên không xảy ra tình trạng kỳ thị và phân biệt. Việc thực hiện quy trình khám chữa bệnh chung với các bệnh nhân khác giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, coi HIV như một bệnh truyền nhiễm khác, giảm kỳ thị phân biệt đối xử.

Một vấn đề nữa là nhiều người cho rằng thuốc do BHYT mua sẽ là thuốc rẻ hoặc không tốt bằng các nguồn thuốc ARV khác hay thuốc viện trợ. Điều này không đúng vì thuốc ARV dù nguồn viện trợ hay do nguồn BHYT chi trả cũng đều là do Bộ Y tế mua và điều phối. Do vậy thuốc sẽ là giống nhau; có chăng sự khác nhau chỉ là BHYT hay các tổ chức quốc tế chi trả tiền mua thuốc này thôi.

Theo quy định, người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hay trung tâm y tế huyện có khám chữa bệnh. Song, người nhiễm HIV nên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trung tâm y tế huyện có khám và điều trị HIV/AIDS bởi việc này sẽ mang lại những lợi ích như: người nhiễm HIV dễ dàng đến các cơ sở y tế này để khám và điều trị HIV/AIDS mà không cần phải giấy chuyển tuyến; có thể kết hợp để khám và điều trị các bệnh khác.

Mặc dù người nhiễm HIV vẫn có thể đăng ký điều trị bằng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS tuyến trên nhưng nếu không đúng tuyến thì mỗi năm vẫn cần giấy giới thiệu chuyển tuyến một lần. Trung tâm Y tế huyện có thể cung cấp hầu hết các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh phổ biến, do vậy người nhiễm HIV có thể kết hợp khi khám chữa các bệnh khác.

Người nhiễm HIV đi lao động làm ăn xa nhà vẫn có thể tham gia BHYT với các lựa chọn sau: Đăng ký tạm trú tại cơ quan công an nơi đang tạm trú để lao động và có thể tham gia BHYT bình thường theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành; tham gia BHYT tại quê nhà nơi có hộ khẩu thường trú (theo quy định từ ngày 1/1/2021 đã thông tuyến khám chữa bệnh đến tuyến tỉnh nên người nhiễm HIV vẫn có thể sử dụng thẻ để khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi lao động tương đương với tuyến của nơi ghi trên thẻ BHYT hoặc cơ sở y tế khác nếu không có cơ sở tương đương).

Toàn tỉnh hiện có 1.671 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống; trong đó 667 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 3 cơ sở (Khoa Phòng, chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột). Số bệnh nhân có BHYT chiếm 92,05%  (614/667 bệnh nhân); trong đó có 157 trường hợp được BHYT chi trả 100%, 23 trường hợp được BHYT chi trả 95%,  434 trường hợp được BHYT chi trả 80%.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc