Multimedia Đọc Báo in

Chung tay gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

10:53, 15/11/2024

Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Giá trị nhân văn cao đẹp

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có rất nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo và mang giá trị nhân văn sâu sắc. 

Nhiều năm nay, qua các liên hoan, các chương trình văn hóa, văn nghệ; nhiều nghi lễ truyền thống của các dân tộc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được phục dựng như: Nghi lễ cúng no đủ, Lễ cúng cầu mưa và cầu mùa của dân tộc Êđê; Lễ cúng bến nước (bến hồ) của người M’nông; Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền…

Lễ cúng rước hồn lúa về kho của người M’nông (huyện Lắk) được tái hiện tại Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3.

Ngoài sự thiêng liêng, yếu tố tâm linh, mỗi một nghi lễ đều chứa đựng những ý nghĩa sâu xa về cuộc sống, giữ gìn tình cảm gia đình, ứng xử với thiên nhiên…; đồng thời lồng ghép trong đó là bản sắc của mỗi dân tộc, từ nếp ăn, nếp nghĩ, nếp làm… được hình thành từ xa xưa, dựa trên kinh nghiệm được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Dù có một số khác biệt trong cách thực hiện nghi lễ nhưng về cơ bản vẫn kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp thế hệ trước để lại.

Như trong việc chọn địa điểm thực hiện, theo truyền thống, kinh nghiệm của người Êđê thì nơi được chọn thực hiện nghi lễ là một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong chứng tỏ đây là đất lành; xung quanh khu vực tổ chức lễ cúng sẽ có chuông gió hoặc một số vật phẩm khác như chiếc khiên, dao để xua đuổi tà ma, những điều không may mắn…

Trong nghi lễ sẽ không thể thiếu phần dựng kho lúa tượng trưng. Già làng Y Nghi Êban (SN 1968), buôn Sút M’drang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Đối với người Êđê, kho đựng lúa rất quan trọng trong cuộc sống, không chỉ gìn giữ tài sản của gia đình mà còn tượng trưng cho sự no đủ. Vì vậy, quá trình làm kho lúa, người dân làm rất tỉ mỉ...”.

Dân làng cùng chuẩn bị và tham gia Lễ cúng no đủ của người Êđê (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar).

Hay đối với Lễ cúng rước hồn lúa về kho của người M’nông (huyện Lắk) được tái hiện tại Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, cũng đã thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên, ghi nhớ công ơn của người dân đối với những thế hệ đi trước.

Ý nghĩa cho đến cách thức tổ chức, thực hiện các nghi lễ trên cho thấy sự khát khao no đủ của cộng đồng, cầu cho người dân trong buôn luôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào. Ngoài ra, các lễ cúng này cũng là dịp chỉ bảo cho các thế hệ trẻ nêu cao ý thức bảo vệ rừng, tài nguyên xung quanh mình; thể hiện cho sự đoàn kết, gắn bó của người dân trong các buôn, làng… 

Nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống

Phục dựng nghi lễ, lễ hội đã từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong các buôn làng; phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc; nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để có được thành quả đó là sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và với chính chủ thể. 

Để phục dựng thành công một nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số phải có những bước chuẩn bị khá công phu. Như đối với Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo), trước khi tổ chức phục dựng, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã nghiên cứu tài liệu và điền dã để nắm bắt đặc điểm, nội dung, trình tự tiến hành cũng như tất cả các yếu tố liên quan, nhằm thể hiện được nội dung và bản sắc của Lễ Cấp sắc và hướng đến các giá trị tốt đẹp. 

Hình ảnh phục dựng Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo). 

Điều này cho thấy, cộng đồng cư dân với tư cách là chủ nhân của di sản văn hóa chính, nhân tố đặc biệt quan trọng trong các nghi lễ. Ngày nay, các chủ nhân này đã dần thay đổi nhận thức, chủ động giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Như ở Lễ cúng bến nước được tổ chức tại buôn Ea Yông A (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc), từ trước đó người dân đã tập trung dọn dẹp nhà cửa, bến nước, đường sá, chuẩn bị tỉ mỉ, đồ cúng, tạo nên một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc và đậm tính nhân văn. 

Khách du lịch nước ngoài tham gia trải nghiệm Lễ cúng sức khỏe tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột)

Trên thực tế cho thấy, nhiều lễ cúng, nghi lễ sau khi được phục dựng đã được người dân, buôn làng duy trì tổ chức thường xuyên; bước đầu phát huy hiệu quả về mặt văn hóa tinh thần và thu hút khách được nhiều khách du lịch tham gia tìm hiểu trải nghiệm. Qua đó vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, vừa hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, mang lại sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số. 

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nóng tình trạng kích giun đất ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô
Trong hai năm qua, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô thường xuyên bị các đối tượng lén lút vào rừng dùng kích điện để bắt giun đất trái phép gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây. ​​​​​​​