Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ huyện Krông Búk chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”

08:31, 02/04/2024

Phát huy vai trò xung kích, từ năm 2020 đến nay, tuổi trẻ huyện Krông Búk đã phối hợp với các đơn vị, địa phương của huyện trồng, chăm sóc hơn 16.000 cây xanh phân tán giúp bảo vệ môi trường, lấy bóng mát tại các tuyến đường, trường học, cơ quan, công sở..., nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chị H’Nguốp Niê, Bí thư Huyện Đoàn thông tin, để phong trào trồng cây xanh mang lại hiệu quả tích cực, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện đã tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của cây xanh đối với môi trường sinh thái thông qua các kênh thông tin của Đoàn, Hội trên các nền tảng xã hội Facebook, Zalo; phát động phong trào mỗi đoàn viên chăm sóc ít nhất một cây xanh...

Theo đánh giá tại đợt kiểm tra công tác chăm sóc cây xanh trên địa bàn huyện đầu năm 2024 của Ban Chấp hành (BCH) Huyện Đoàn, khoảng 80% cây xanh đã trồng sinh trưởng, phát triển tốt - đây là “nguồn xanh” trong tương lai giúp giảm thiểu nhiều vấn đề về môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Đoàn viên, thanh niên huyện Krông Búk xây dựng dữ liệu số hóa cho cây sầu riêng tại xã Cư Kbô.

Là đơn vị được giao quản lý 2.000 cây thông do Huyện Đoàn phát động trồng trong đợt hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 tại khu vực đồi thông trên địa bàn, BCH Đoàn thị trấn Pơng Drang đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng thông; cùng với đó  thường xuyên tổ chức các đợt phát quang cỏ dại, thay phiên nhau tưới nước cho cây thông vào mùa khô.

Còn tại xã Cư Pơng, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã đã ươm, trồng 400 cây hoa giấy, cây giáng hương tại các công trình, mô hình của thanh niên dọc các tuyến đường trên địa bàn xã. Đoàn xã Cư Pơng còn là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là tham gia xóa các tụ điểm rác thải trên địa bàn xã. Không chỉ dọn dẹp vệ sinh, ĐVTN xã tích cực tuyên truyền đến người dân về các chế tài xử phạt khi xả rác không đúng nơi quy định. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng xả rác gần như chấm dứt. "Đoàn xã đang có ý tưởng triển khai thùng rác tái chế đặt tại các tụ điểm rác thải và ở các khu vực vườn, rẫy nhằm nâng cao ý thức bà con trong việc sử dụng, vứt vỏ thuốc trừ sâu đúng cách”, anh Y Hlý Niê Kdăm, Bí thư Đoàn xã cho hay.

Hiện 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với gần 1.000 tình nguyện viên tham gia. “Trong thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm trong phong trào “Chống rác thải nhựa”, chương trình “Vì một Việt Nam xanh”; các mô hình, công trình về bảo vệ môi trường; sáng tạo khởi nghiệp xanh trong ĐVTN; vận động ĐVTN đảm nhận các công trình trồng cây, trồng rừng, sản xuất, nuôi trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu”, chị H’ Nguốp, Bí thư Huyện đoàn Krông Búk nhấn mạnh.

Tuổi trẻ huyện Krông Búk ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan tại khu vực Trung tâm hành chính huyện.

Phát huy vai trò của tuổi trẻ tiên phong trong chuyển đổi số, qua chương trình số hóa 10.000 cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lên bản đồ cây xanh (www.bandocayxanh.vn) do Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức trên địa bàn xã Cư Kbô vào ngày 17/3 vừa qua, Huyện Đoàn Krông Búk đã huy động ĐVTN số hóa hơn 8.000 cây sầu riêng trên diện tích 125 ha tại xã Cư Kbô (dựa trên bản đồ vùng trồng). Đến nay, ĐVTN huyện đã thực hiện số hóa gần 40% chỉ tiêu đề ra; đồng thời mạnh dạn áp dụng trên diện tích sầu riêng của chính gia đình mình.

Đơn cử, anh Trần Kim Tiền (đoàn viên xã Cư Kbô) có gần 1 ha sầu riêng; sau quá trình tham gia số hóa, anh đã tìm hiểu kỹ, tạo mã QR, xây dựng dữ liệu cho một số cây. Theo anh Tiền, ứng dụng số hóa sẽ như một cuốn nhật ký online trong quá trình phát triển của cây. Điều này giúp người trồng đảm bảo đúng quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng cây sầu riêng; còn đối với các đơn vị thu mua cũng có thể thông qua ứng dụng này để tìm hiểu và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm đối với chủ sở hữu cây sầu riêng.

Nhận thấy hiệu quả trong cách xây dựng dữ liệu, cập nhật, quản lý thông tin cây xanh trên nền tảng số, Ban Thường vụ Huyện Đoàn cũng đã tổ chức cho đoàn viên triển khai thí điểm trên một số cây được trồng tại Trung tâm hành chính huyện; sau đó sẽ triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn lồng ghép với phong trào mỗi đoàn viên chăm sóc ít nhất một cây xanh.

Chị H’Nguốp Niê, Bí thư Huyện Đoàn cho hay, ứng dụng trên nền tảng số có nhiều tính năng như: cập nhật, chỉnh sửa thông tin cây xanh; lấy tọa độ và hình ảnh cây ngay tại hiện trường; tra cứu, tìm kiếm nhanh, tìm kiếm nâng cao; quét mã QR để truy xuất thông tin cây xanh... qua đó, đoàn cơ sở có thể giám sát hiện trạng như: cây sống tốt, đang ra hoa hay thiếu nước… từ đó, có thể can thiệp sớm để chăm sóc cây tốt hơn. Qua đó, phát huy tinh thần trồng cây gây rừng, tuổi trẻ huyện nhà tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới.

Hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Huyện Đoàn Krông Búk đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn trồng mới ít nhất 1 triệu cây xanh.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.