Multimedia Đọc Báo in

"Gỡ vướng" trong hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

08:28, 22/04/2024

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nội dung thuộc Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719).

Việc hỗ trợ này được xem là giải pháp góp phần giúp hộ nghèo an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, nhưng quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ để bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo kế hoạch, Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt sẽ hỗ trợ xây dựng 1.978 căn nhà cho hộ nghèo trong cả giai đoạn. Tuy nhiên, do "vướng" nhiều quy định nên đến năm 2023 chương trình mới được triển khai và cũng mới chỉ có một số huyện thực hiện. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ mới hỗ trợ triển khai xây dựng được trên 200 căn nhà.

Gia đình chị H’Blanh Niê yên tâm sản xuất sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là nhiều hộ chưa đáp ứng được các tiêu chí để được hỗ trợ như chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa tách hộ, hoặc đang sinh sống trong khu vực đất rừng, đất lâm trường...

Thực tế việc triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo đồng bào DTTS ở các địa phương gặp không ít khó khăn, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai. Cụ thể, theo quy định, hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà phải có đất có sổ đỏ đứng tên chính chủ; tuy nhiên trên thực tế phần lớn các hộ nghèo đồng bào DTTS không có đất ở chính chủ mà thường được bố mẹ chia cho nhưng không có điều kiện hoặc thói quen tách thửa; mà đất cũng chủ yếu là đất nông nghiệp.

Bà Sao Mai Len, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng (huyện Lắk) cho hay, đầu năm 2024, UBND xã đã tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát 24 gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn, kết quả chỉ có vài hộ đủ điều kiện thụ hưởng. Còn theo ông Y Manh Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), địa phương cũng đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS; trong đó ngoài vướng về quy định đất đai thì một số hộ nghèo sợ không có khả năng chi trả khi phải vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên họ không dám vay để xây dựng nhà.

Cán bộ xã Đắk Liêng (huyện Lắk) thăm hỏi, động viên hộ nghèo trên địa bàn xã.

Trước những khó khăn trên, đến cuối năm 2023, sau khi một số quy định được nới lỏng để phù hợp tình hình thực tế, một số địa phương như các huyện M’Drắk, Ea Kar, Ea H’leo... đã linh hoạt trong việc xác định nguồn gốc đất đai để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở.

Cụ thể, tại huyện Ea Kar, sau khi kiểm tra thực tế, nếu thấy phần đất xây dựng nhà ở của hộ dân không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để họ có thể nhanh chóng xây dựng nhà, hoặc có địa phương chủ động điều chỉnh quy hoạch đất phù hợp thực tế, tạo thuận lợi cho các hộ được thụ hưởng chính sách xây dựng nhà, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, để người dân sớm an cư trong những ngôi nhà mới, ngoài việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng theo quy định, một số địa phương đã đứng ra bảo lãnh để các đại lý, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho người dân làm nhà trước. Sau khi công trình hoàn thành, nghiệm thu và được phân bổ vốn thì chính quyền xã và người dân sẽ cùng đến thanh toán cho phía cung cấp vật liệu.

Bà Lê Thị Nhật Thanh, Trưởng Phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: “Hiện nay, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS theo Chương trình 1719 đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện chậm triển khai như Ea Súp, Krông Búk, Lắk...

Với những địa phương này, Ban Dân tộc tỉnh đã trao đổi và đề nghị đơn vị học tập những giải pháp, cách làm linh hoạt ở các địa phương khác để tham khảo, áp dụng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, địa phương cũng cần phải tích cực vận động người thân cho tặng đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà; linh hoạt tạo điều kiện, xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, rồi hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở".

Theo quy định, các hộ được thụ hưởng chương trình xây dựng nhà ở sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách địa phương 4 triệu đồng và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm, trong thời gian 15 năm. Mỗi căn nhà được xây dựng phải đảm bảo tiêu chí "ba cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc