Multimedia Đọc Báo in

Khi Facebook “sụp nguồn”…

07:25, 09/03/2024

Sự cố đứt kết nối của mạng xã hội Facebook trong đêm 5/3/2024 khiến người dùng tại Việt Nam xáo trộn đang được giới chuyên môn nhìn nhận với những đánh giá “bất thường”, cho thấy hiện tượng “lậm” mạng xã hội đã đến lúc phải “báo động đỏ”?

Ngay trong sáng 6/3, không ít người dùng mạng xã hội trong tình trạng “hỗn loạn tâm lý” khi phát hiện tài khoản Facebook mất kết nối với server chủ. Hàng nghìn câu hỏi, thông tin thắc mắc đã lan tràn khắp các công cụ trực tuyến như Zalo, Viber, hay ở chính mạng xã hội Facebook ngay sau khi tín hiệu được khôi phục. Một chuyên gia công nghệ nhận xét: “Đã từng nhìn thấy cảnh tượng ồn ào này trong vụ việc Yahoo ngày nào, cũng bị đứt kết nối và hàng nghìn người lo lắng mất đi phương tiện liên lạc quan trọng. Nhưng tâm lý bất an lần này có vẻ nghiêm trọng hơn, vì hình như ai cũng cảm thấy bị tổn thất cơ hội nào đó nếu Facebook “sập nguồn”, kể cả những người tưởng như đơn thuần làm văn hóa nghệ thuật”.

Dĩ nhiên để lý giải cho “sự giật mình” của mình, anh Thịnh Đ., một chủ shop kinh doanh trực tuyến chia sẻ: “Mình đang quản lý mấy fanpage bán hàng của mình lẫn của đối tác gửi làm ăn, nếu bị mất liên lạc sẽ rất phiền phức, thậm chí tổn thất hàng chục triệu đồng hàng hóa còn ghi nợ. Một diễn đàn trao đổi hàng cũng do mình quản lý, rất dễ bị tác động xấu nếu Facebook tắt server. Cho nên, khi thấy mất tín hiệu, mình chủ yếu sợ bị hacker tấn công, đến khi phát hiện ra lý do từ chính Facebook thì mới yên tâm”.

Rõ ràng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, và xu hướng phát triển mạng xã hội trong thế giới ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến, nỗi lo an toàn an ninh mạng vẫn là vấn đề nổi cộm. Song, không chỉ là những người bán hàng kinh doanh, rất đông các bạn trẻ là sinh viên, học sinh đã tỏ ra hoảng hốt khi không thấy mạng xã hội hoạt động, vì theo họ, “lướt Face đã là nhu cầu tất yếu hằng ngày”.

Mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa: Internet
Mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa: Internet

Vấn đề được giới chuyên môn chỉ ra, là các nhà quản lý, các nhà giáo dục và cả các gia đình, cũng như bản thân người dùng mạng xã hội, cần có những cảnh tỉnh cần thiết trước những tác động hấp dẫn của mạng xã hội. Tất nhiên đến nay không ai có thể phủ nhận được sự quen thuộc với các công cụ kết nối mạng và ứng dụng liên lạc. So với những giai đoạn chỉ mới có Yahoo, email thuần túy hay các trang blog thì hoạt động mạng xã hội và các công cụ như Tiktok, Instagram hiện tại có sức lan tỏa dữ dội hơn và những tính năng sử dụng siêu việt hơn. Đi đôi với những thuận tiện và hấp dẫn, rõ ràng đã đến lúc người dùng phải nghiêm túc xem xét lại, “mức độ lậm của chúng ta là bao nhiêu”.

Một số người dùng mạng xã hội tại các nước khác chia sẻ, mức độ sử dụng của họ so với người dùng Việt Nam ít hơn nhiều, và họ có dành thời gian để sử dụng một số công cụ, môi trường tương tác khác ngoài mạng xã hội. Ngay với giới kinh doanh, việc chỉ tập trung vào một môi trường mạng xã hội như Facebook là điều nên tránh. “Chúng ta cần điều tiết lịch sinh hoạt và làm việc của mình một cách hợp lý, tránh bị chính nhà quản lý mạng xã hội tác động tiêu cực, dẫn dắt những hành vi của chúng ta”, một facebooker khá nổi tiếng đang sống tại Đức nhận xét như vậy.

Theo giới chuyên môn, có ba lý do khiến người dùng mạng xã hội tại Việt Nam bị ảnh hưởng lôi kéo nhất định. Một là, do chính môi trường mạng xã hội trong nước chưa có công cụ đủ tác động tích cực cho người dùng tránh tập trung vào một đối tượng duy nhất. Hai là, thói quen “bị hấp dẫn” của đa số người dùng tại Việt Nam còn phổ biến, đến mức thiếu kiềm chế. Ba, quan trọng hơn, chính đa số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam rất thờ ơ với các yêu cầu bảo vệ chính mình trên môi trường mạng, sẵn sàng thỏa hiệp với những thông điệp không rõ nguồn gốc và thiếu trách nhiệm với chính các quyền lợi, các nguyên tắc an ninh của mình. Một dẫn chứng điển hình là trong vụ việc Facebook bị sự cố, rất nhiều người dùng hoảng hốt vì chính mình… quên mất mật khẩu đăng nhập, chưa bao giờ ghi nhớ bảo mật cho tài khoản của mình.

Chỉ tham gia vào mạng xã hội như một thói quen, mọi thông tin dữ liệu, mật khẩu… đều để tùy tiện không kiểm soát, sẵn sàng vào các đường dẫn, trang mạng mở ra để xem một cách tò mò, sẵn sàng sử dụng những ứng dụng giải trí trên mạng xã hội… là cách hành xử của đa số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay. Tất cả thể hiện một trạng thái tâm lý xã hội rất thiếu cảnh giác, và nguy hiểm là trạng thái ấy diễn ra phổ biến, một cách thuần túy không ai quan tâm cảnh báo cả. Thậm chí nhiều người gần như dùng mạng xã hội suốt ngày không rời, trong tay luôn cầm điện thoại để “lướt" Facebook và vang lên âm thanh hoạt náo của TikTok.

Giới công nghệ từ lâu đã đánh tiếng, cảnh báo người dùng công nghệ Việt nên hết sức tỉnh táo trước mọi sản phẩm, công cụ dễ dùng và miễn phí, để phòng tránh những nguy hại về sau. Nhất là vấn đề dữ liệu và kết nối tiêu dùng trong cộng đồng, một nguồn tài nguyên mạng rất lớn mà những kẻ có tâm ý bất chính rất dễ lợi dụng. Sự cố của mạng Facebook, vì thế nên được chú ý là một lời cảnh báo cần thiết về trách nhiệm bảo vệ chính mình của người dùng công nghệ hiện nay, trước khi mọi vấn đề có thể tệ hại hơn trong những lần sau.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.