Multimedia Đọc Báo in

Lao động tự do - nỗi lo tai nạn

08:19, 24/05/2023

Không hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt không được trang bị bảo hộ và tập huấn các kiến thức cơ bản về ATVSLĐ, nhiều lao động tự do trên địa bàn tỉnh đang làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều mối nguy.

Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh, có thể thấy hầu hết người lao động đang làm việc tại các công trình, chủ yếu là xây dựng nhà ở tư nhân đều không được trang bị bảo hộ lao động, hệ thống giàn giáo được lắp đặt thiếu an toàn, không che chắn… tiềm ẩn nhiều mối nguy dẫn đến tai nạn lao động bất cứ lúc nào.

Lao động làm việc thiếu trang bị bảo hộ tại một công trình xây dựng.

Qua tìm hiểu, nhiều người lao động làm thuê cho các nhà thầu, nhóm xây dựng cho biết, họ không được ký hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội và phải bỏ tiền túi ra để mua bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, tai nạn. Anh Cao Văn Minh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, do không có nghề nghiệp và công việc ổn định nên từ nhiều năm nay anh thường đi làm thuê cho các chủ thầu xây dựng với mức lương khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Công việc thợ xây thường xuyên phải làm trên cao, nguy cơ tai nạn rình rập, nhưng không có ràng buộc trách nhiệm nên nếu có bị làm sao cũng không được đòi hỏi quyền lợi gì.

Có một thực trạng là các nhà thầu tư nhân, các công ty quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ lao động tự do, không hiểu biết và không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Điều đáng nói là hầu hết những lao động này đều có gia cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa nên khi bị tai nạn phải chạy vạy vay mượn hoặc bán nhà, bán ruộng vườn để có chi phí triều trị.

Lao động hái tiêu làm việc ở trên cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. (Trong ảnh: Người hái tiêu thuê tại huyện Cư Kuin).

Thực tế cho thấy, ẩn họa mất an toàn lao động vẫn luôn rình rập ở bất cứ đâu, không chỉ ở các công trình mà còn xảy ra với những lao động nông thôn đang làm thuê tại hộ gia đình. Có thể thấy, lực lượng lao động tự do là đối tượng dễ xảy ra tai nạn nhất khi phải làm việc với cường độ cao, thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về an toàn lao động. Mặt khác, phần lớn họ đều không được người thuê ký kết hợp đồng nên khi xảy ra sự cố tai nạn lao động thì họ phải tự mình gánh chịu mà không hề có bất cứ quy định nào để ràng buộc đối với người thuê.

Hiện nay, công tác phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp, cải thiện, đảm bảo đời sống cho người lao động... đang được các cấp, ban, ngành và địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc đảm bảo cho người lao động tự do được làm việc trong điều kiện an toàn vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, ngành chức năng cần có những chính sách hỗ trợ, biện pháp bảo vệ và cần có tổ chức đứng ra đại diện quyền lợi cho người lao động tự do. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giúp họ nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật, ATVSLĐ.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc