Multimedia Đọc Báo in

Nữ “phu keo” nhọc nhằn mưu sinh

08:15, 16/04/2023

Không có công việc ổn định, để có thêm thu nhập lúc nông nhàn, nhiều phụ nữ huyện M’Drắk vẫn ngày ngày mưu sinh bằng nghề bốc vác keo nặng nhọc và nhiều rủi ro rình rập.

Tại khu rừng keo thôn Ea Sanh, xã Cư San, giữa trời nắng chang chang, vợ chồng chị Sùng Thị May cùng đội “phu keo” của thôn 5 (Cư San) chuyền tay nhau những khúc keo to đã được cắt dài gần bằng thân người để chuyển lên xe đang chờ sẵn. Dễ nhận thấy trong đội quân “phu keo” ấy có đến một nửa là phụ nữ.

Phụ nữ xã Ea Trang bóc vỏ keo.

Hơn 12 giờ trưa, chuyến xe thứ hai đã xong, mọi người trong đội tranh thủ nghỉ ngơi và ăn trưa để chờ chuyến sau. Bữa cơm ăn vội của những người “phu keo” cũng chỉ là cơm nắm, ít cá khô và chai nước chuẩn bị từ sáng sớm mang theo. Năm nay 23 tuổi nhưng chị May đã có ba người con. Nhà nghèo, không có đất canh tác nên quanh năm chị theo chồng làm công việc thu hoạch keo. Tùy vào diện tích rừng keo thu hoạch, tổ của chị May thường có từ 10 - 15 người, làm công việc cắt cây, phát cành, bóc vỏ, bốc vác và vận chuyển. Tiền công được trả tùy theo năng lực và công sức họ bỏ ra. Thường thì cánh đàn ông được trả công cao hơn, bởi nhiều việc nặng phải đến tay họ, còn phụ nữ thu nhập thấp hơn bởi việc nhẹ nhàng hơn, trung bình mỗi ngày 200.000 – 250.000 đồng, song cũng bấp bênh ngày có ngày không. Mỗi ngày có việc làm, vợ chồng chị May kiếm được hơn 700.000 đồng, nên anh chị luôn động viên nhau tranh thủ thời tiết thuận lợi tích cực lao động, chi tiêu tiết kiệm để bù vào những tháng mưa gió kéo dài không có việc.

Chị Vàng Thị Khai (48 tuổi, ở thôn 7, xã Cư Króa) đi làm “phu keo” đã 10 năm nay. Đội của chị phần lớn là người trong xóm, hoặc anh em họ hàng rủ nhau cùng đi làm, nên thường giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Trước, chủ tính tiền theo ngày công, nhưng sau này hầu như khoán số lượng, nên mỗi tấn keo, chủ sẽ trả cho người làm 300.000 - 500.000 đồng (bao gồm tiền đốn cây, bóc vỏ, vận chuyển lên xe). Nếu chị em nào sức khỏe yếu, chỉ bóc vỏ cây thì kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày. Chị Khai cho biết, gia đình chị cũng có vài héc-ta rừng trồng, nhưng để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình có bốn thế hệ cùng sinh sống, 10 nhân khẩu, vợ chồng chị phải làm thêm nghề "phu keo".

Công việc thu hoạch keo nguyên liệu trải dài trong năm (trừ các tháng mưa gió kéo dài). Và một ngày làm việc của đội “phu keo” thường bắt đầu từ sáng sớm tới chiều muộn. Ngoài những dụng cụ mang theo để làm việc như máy cưa, rựa…, mỗi người tự chuẩn bị nước uống, cơm, hoặc bánh mì và tổ chức ăn trưa tại chỗ.

Các "phu keo" cật lực bốc keo lên xe vận chuyển về nhà máy chế biến gỗ.

Nghề “phu keo” là công việc không hề nhàn hạ, nhất là với phụ nữ. Bởi công việc này thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, keo thường được trồng trong các vùng đồi núi hiểm trở nên chỉ cần chút sơ suất là xảy ra tai nạn, nhẹ thì vẹo vai, trầy xước, nặng thì gãy tay do bốc vác cây bị trượt chân, thậm chí có người còn bị cây đè trúng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chị em trên địa bàn huyện M’Drắk tham gia nghề “phu keo” bởi phần lớn chị em ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nghề phụ, đất canh tác ít nên các chị đều cố gắng làm để nuôi con ăn học.

M’Drắk là một trong những địa phương có diện tích rừng keo lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk với trên 23.400 ha. Những năm qua, việc trồng rừng đã tạo thêm sinh kế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.

 Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.