Multimedia Đọc Báo in

Những người bạn của bệnh nhân tâm thần

06:45, 13/03/2023

Ở một bệnh viện chuyên khoa đặc biệt như bệnh viện tâm thần thì người mà bệnh nhân gần gũi nhất chính là các y, bác sĩ và điều dưỡng.

Không chỉ điều trị bệnh, các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn là những người bạn, người thân, thường xuyên động viên chia sẻ bệnh nhân vượt qua bệnh tật, nghịch cảnh để sớm hoà nhập với cuộc sống cộng đồng.

Ở Khoa điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), hằng ngày, buổi sáng sau khi ăn uống và được uống thuốc điều trị, bệnh nhân sẽ tự do sinh hoạt trong khuôn viên. Có người đi lang thang trong hành lang của khu vực cách ly, người thì ca hát, người thì đứng nói bâng quơ một mình, người thì tụm hai tụm ba nói chuyện. Nếu thấy có người lạ đi vào, các bệnh nhân sẽ chạy lại hỏi thăm sức khỏe, cố bắt chuyện về một chủ đề nào đó nhiều khi xa rời thực tại. Thi thoảng, một tiếng la hét thất thanh khiến những người lần đầu đi vào khoa sẽ cảm thấy giật mình sợ hãi. Chị Phan Thị Kim Thuỷ, phụ trách Phòng điều dưỡng - Công tác xã hội (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) giải thích rằng không ít người khách vào đây lần đầu đã tỏ ra rất hoảng sợ khi bị bao vây bởi những “người điên” cùng vô vàn lời nói, hành động khó hiểu và rất dễ nổi nóng.

Vậy mà các y, bác sĩ tại đây hằng ngày chứng kiến những hình ảnh đó để thực hiện công việc chăm sóc, điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân. Hầu hết đều là bệnh nhân nặng, bị tâm thần phân liệt, gia đình không thể chăm sóc nên buộc phải đưa vào bệnh viện. Khi lên cơn, những bệnh nhân này rất kích động và có thể bộc phát những hành vi nguy hiểm cho mình lẫn người xung quanh. Đã nhiều lần, bệnh nhân lên cơn quậy phát, tự đập đầu vào tường và nếu nhìn thấy một dụng cụ nào đó đều sử dụng để tự rạch tay chân của mình, đòi tự tử… Trong những tình huống như vậy buộc nhân viên y tế phải gọi bảo vệ phải can thiệp và cũng không ít lần chính nhân viên y tế trở thành đối tượng bị tấn công khi người bệnh bị kích động. Do đó, khi làm việc ở môi trường này, các y, bác sĩ ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có kỹ năng ứng phó và sự kiên trì, dũng cảm và cả… sức khỏe để chống đỡ.

Bảo vệ và điều dưỡng phải dỗ dành để bón cơm cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh).

Công tác tại đây hơn 10 năm, anh Huỳnh Ngọc Phong, điều dưỡng trưởng Khoa điều trị nam vẫn nhớ mãi kỷ niệm ngày đầu làm việc. Anh kể: “Khi mới nhận công tác, tôi làm việc tại khoa nữ bán cấp, nhìn thấy hai bệnh nhân đánh nhau, tôi chạy vào can ngăn thì bị bệnh nhân đánh cho ngất xỉu. Sau lần đó, tôi còn rất nhiều lần bị bệnh nhân đánh đuổi chạy khắp bệnh viện. Bệnh nhân tâm thần khi lên cơn thường rất khỏe, không kể là nam hay nữ, không ít y, bác sĩ bị bệnh nhân đánh sưng mặt, gãy tay... Ban đầu tôi cũng hoảng sợ và nản lắm, nhưng khi công tác lâu hơn, tôi bắt đầu hiểu bệnh nhân và đồng cảm với họ nhiều hơn bởi bệnh nhân chỉ hung dữ khi lên cơn, còn khi trở về trạng thái bình thường họ cũng giống như bao người khác, biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết ai đối xử tốt và không tốt với mình. Tôi quyết định tiếp tục gắn bó với nghề, mong rằng mình góp phần nào giúp họ khỏi bệnh để quay về cuộc sống bình thường”.

Ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhất là ở Khoa bệnh nặng, việc chăm sóc bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào các bác sĩ và điều dưỡng; với những bệnh nhân hoàn toàn mất tự chủ, nhân viên y tế phải giúp họ từ việc uống thuốc, ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Việc phục vụ cho bệnh nhân không hề dễ dàng bởi tốn rất nhiều sức lực và trí não, từ dỗ dành, răn đe đến khống chế…

Bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng khoa điều trị nam luôn nói chuyện với bệnh nhân bằng giọng điệu rất nhẹ nhàng, trìu mến. Chính sự tận tâm, chuyên nghiệp đó đã giúp người phụ nữ nhỏ bé này làm tốt công việc của mình, tránh được những tấn công, nổi nóng bất ngờ trong những gian buồng đầy người bệnh nặng. “Nói người tâm thần không biết gì là không đúng. Họ vẫn có nhu cầu trò chuyện, chia sẻ. Câu đầu tiên khi tiếp xúc với người bệnh nên là lời hỏi thăm, tạo sự tin tưởng và cảm giác an toàn nơi họ, như thế thì họ mới hợp tác với mình. Nhiều người đến lúc ra viện cứ đòi ở lại, hỏi ra mới biết, ở thế giới ngoài kia họ bị cô lập, đến khi vào viện mới có người để trò chuyện… Và họ rất cần được cảm thông, bởi dù có khi họ gây gổ, đánh chúng tôi nhưng đó là vì bệnh chứ bản thân, hoàn cảnh họ lại rất đáng thương”, bác sĩ Bé tâm sự.

Có thể nói, công tác ở một nơi ít có bệnh nhân tỉnh táo, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng các y, bác sĩ vẫn cứ lặng lẽ tận tâm ngày này qua ngày khác, động viên, chia sẻ và đồng hành với bệnh nhân. Nhờ đó đã có rất nhiều bệnh nhân được điều trị ổn định, trở về hoà nhập với cộng đồng.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc