Multimedia Đọc Báo in

Tuân thủ đúng phác đồ điều trị để hạn chế bệnh tâm thần tái phát

06:52, 18/09/2022

Bệnh tâm thần có thể tái phát ngay sau khi đã được điều trị thành công nếu người bệnh dùng thuốc không đều hoặc bỏ thuốc.

Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, khả năng làm việc của người bệnh mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến bản thân, gia đình, người xung quanh. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ bị kháng thuốc, bệnh nặng hơn và khó điều trị về sau.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa điều trị nam cấp và bán cấp (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), việc quản lý bệnh nhân tâm thần dựa trên cơ sở theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân khi đến bệnh viện và tiến hành cấp phát thuốc, hướng dẫn người nhà cho bệnh nhân uống thuốc đầy đủ. Vì vậy, việc bệnh tâm thần có cải thiện và ổn định hay không phụ thuộc rất lớn vào người thân bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện nay nhiều gia đình, người thân thiếu sát sao, quan tâm, thậm chí bỏ bê bệnh nhân tâm thần. Việc chữa trị cho những trường hợp này rất khó khăn bởi bệnh nhân không được uống thuốc thường xuyên, không được điều trị theo đúng phác đồ khiến bệnh trở nặng, bệnh nhân bị kháng thuốc, gây trở ngại cho công tác điều trị.

Bệnh nhân tâm thần uống thuốc điều trị. Ảnh: Quang Nhật

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân L.D.V. (32 tuổi, ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) phát hiện mắc bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2016. Từ ngày V. mắc bệnh tâm thần, người vợ cũng dắt 4 đứa con bỏ nhà ra đi. Không có người thân quan tâm, chăm sóc và cho uống thuốc, chứng bệnh tâm thần của V. ngày càng nặng. Gần đây, V. thường nói lẩm bẩm một mình, cười vô cớ, lấy cây đập nhà cửa, đồ đạc trong nhà đem vứt ra ngoài và đập chết 4 con chó. Nhận thấy V. sẽ gây nguy hiểm cho những người xung quanh nên người nhà cùng bà con hàng xóm đưa V. vào Bệnh viện Tâm thần để điều trị. Hay như trường hợp bệnh nhân Đ.V.T. (28 tuổi, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh khi có nhiều biểu hiện, hành vi lạ như: hay bứt rứt trong người, không ăn, không uống, quậy phá… Bệnh nhân được các bác sĩ xác định mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Cách đây 5 năm, bệnh nhân này cũng đã từng nhập viện do thường xuyên đau đầu, hay bỏ nhà đi lang thang. Sau khi điều trị ổn định tại bệnh viện, bệnh nhân vẫn có chỉ định tiếp tục dùng thuốc tại nhà theo đơn của bác sĩ song bệnh nhân không tuân thủ uống thuốc đúng, đủ theo liệu trình khiến bệnh tái phát.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân tâm thần có nhiều loại, trong đó tâm thần phân liệt tỷ lệ tái phát rất cao. Có nhiều yếu tố gây tái phát tâm thần phân liệt, như: Uống thuốc không đều đặn, không đúng liều theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần; thiếu sự trợ giúp của gia đình, xã hội hay gặp phải thái độ khinh thường, xa lánh hắt hủi của mọi người xung quanh; bệnh nhân phủ định bệnh, hoặc bị các sang chấn tâm lý, như: ly thân, ly hôn, các mất mát về tình cảm, danh dự, bị xúc phạm, sỉ nhục... Các biểu hiện của đợt tái phát: Bệnh nhân cảm thấy ngày càng căng thẳng, khó chịu, hay lo lắng, đôi khi hoảng hốt, sợ hãi, đứng ngồi không yên, buồn bực, khó chịu… Họ thay đổi tính nết, hay cáu giận vô cớ. Sinh hoạt hằng ngày thay đổi, bệnh nhân ăn uống thất thường, có thể từ chối ăn hoặc ăn những thứ mà trước đó họ hoàn toàn không thích, đôi khi ăn uống mất vệ sinh. Bệnh nhân thường mất ngủ hoặc rối loạn chu kỳ thức - ngủ, trở nên thờ ơ với người thân, lười biếng, không tự chăm sóc bản thân, thu hẹp giao tiếp với mọi người. Xuất hiện sự bất bình thường trong lời nói: nói bâng quơ, không ăn nhập với hoàn cảnh, nói một mình. Trong tư duy có những ý nghĩ sai lầm, không đúng với thực tế hoặc không thể có được trong thực tế, có những hành vi kỳ dị, khó hiểu...

Theo bác sĩ Bé, khi bệnh nhân tâm thần có những biểu hiện thất thường, bản thân bệnh nhân và người nhà cần kiểm tra lại các nguyên nhân gây tái phát. Nên báo cho bác sĩ điều trị biết để có chỉ định kịp thời, khám lại hoặc điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Trường hợp nặng như có rối loạn hành vi, tác phong, có triệu chứng loạn thần nặng như hoang tưởng, ảo giác, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện.

Để hạn chế tái phát bệnh tâm thần, người bệnh cần tiếp tục dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần, khám định kỳ theo hẹn. Báo ngay cho bác sĩ những biểu hiện bất thường ở bệnh nhân để có những thay đổi kịp thời. Gia đình, người thân cần quan tâm giúp đỡ bệnh nhân. Tạo điều kiện cho bệnh nhân có được việc làm phù hợp, được tham gia các hoạt động hằng ngày của làng, xóm. Tôn trọng và không nên có thái độ khinh rẻ, coi thường bệnh nhân, giúp đỡ bệnh nhân khi có yêu cầu nhằm loại trừ nguy cơ xảy ra các sang chấn tâm lý. Tránh cho bệnh nhân căng thẳng, tránh dùng rượu, bia và các chất kích thích, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ…

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk đang quản lý 7.423 bệnh nhân tại cộng đồng, trong đó có 3.595 bệnh nhân tâm thần phân liệt. Riêng số bệnh nhân điều trị nội trú từ đầu năm 2022 đến nay là 752 trường hợp, trong đó 320 trường hợp là bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.