Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho giáo dục - đào tạo

06:29, 01/07/2022

Trước thực trạng cơ sở vật chất trường học ngày càng xuống cấp, thiếu nhiều phòng học, phòng chức năng và các trang thiết bị, huyện Ea Kar đã đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

"Gỡ nút thắt" về cơ sở vật chất

Để thực hiện xã hội hóa giáo dục, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 21/12/2020 về huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 – 2025. UBND huyện cũng ban hành kế hoạch, chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn của huyện thực hiện; vận động, kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn huyện. Tinh thần của nghị quyết đã lan tỏa sâu rộng với sự tuyên truyền, vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể.

Là trường thuộc địa bàn thôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã gần 10 km, lúc mới thành lập và đi vào hoạt động năm 2017, Trường Mầm non Thanh Bình (xã Ea Sar) khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Cơ sở vật chất rất tạm bợ, chỉ có 4 phòng học nên nhà trường phải mượn tạm hội trường thôn để dạy học.

Từ nguồn lực xã hội hóa, Trường Mầm non Thanh Bình (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) đã được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Sau khi khảo sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã trích 120 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo huyện, vận động Công ty TNHH TNT LAND GROUP (TP. Hồ Chí Minh), Chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M’gar) hỗ trợ thêm 120 triệu đồng để xây dựng 2 phòng học cho trường. Niềm vui của cô và trò nhà trường được nhân lên khi hoạt động xã hội của Mặt trận huyện đã lan tỏa và nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp, hỗ trợ xây dựng thêm sân chơi, công trình vệ sinh, mua sắm 40 bộ bàn ghế mới, 3 bình ủ nước và tặng 250 suất quà cho toàn thể học sinh nhà trường.

Với sự năng động, sáng tạo, nhà trường đã vận động giáo viên, phụ huynh đóng góp ngày công làm vườn rau sạch, đồ dùng, đồ chơi từ các vật liệu sẵn có; sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí do phụ huynh đóng góp mua 5 chiếc ti vi trang bị cho các lớp. Theo cô Dương Thị Doanh, Hiệu trưởng nhà trường, việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn xã hội hóa đã “gỡ nút thắt”, giúp cô trò của nhà trường được học tập, giảng dạy trong điều kiện tốt hơn. Hiện nhà trường đang được đầu tư thêm 6 phòng học từ nguồn ngân sách của tỉnh và huyện, góp phần giải quyết bài toán thiếu phòng chức năng, phòng làm việc, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

Cần chú trọng huy động sức dân

Không chỉ Trường Mầm non Thanh Bình, qua công tác xã hội hóa theo Nghị quyết 02 của Huyện ủy, huyện Ea Kar đã huy động được 22 dự án tài trợ với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng để xây dựng, mua sắm 23 phòng học, 3 bể bơi, 90 máy tính bảng,16 xe đạp, tường rào, sân bê tông... cho các trường học. Bên cạnh đó, các trường cũng đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa giáo dục, vận động và tiếp nhận tài trợ ti vi, máy vi tính phục vụ dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các xã, thị trấn, trường học cũng đã huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ hàng trăm xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học vượt khó với trị giá khoảng 150 triệu đồng. Ý nghĩa của hoạt động xã hội hóa giáo dục đã thực sự lan tỏa bởi ngoài các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp còn nhận được sự đồng lòng của các cá nhân có tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng đóng góp hàng trăm triệu đồng và hiến đất để xây dựng phòng học cho các trường mầm non.

Khu trải nghiệm của Trường Mầm non Bông Sen (xã Ea Tih, huyện Ea Kar) được xây dựng từ sự đóng góp của cán bộ, giáo viên nhà trường và nguồn xã hội hóa.

Với số kinh phí huy động cùng nguồn ngân sách của huyện, năm học 2021 - 2022, toàn huyện xây dựng mới 68 phòng học, 8 phòng chức năng, 816 m tường rào, 6.510 m2 sân bê tông, 6 bể bơi, mua sắm 1.104 bộ bàn ghế học sinh, 107 bộ máy vi tính, 231 ti vi; tu sửa 104 phòng học, 14 phòng chức năng, 565 bộ bàn ghế học sinh, 647 m tường rào và một số thiết bị khác với tổng kinh phí đầu tư hơn 77,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến tháng 6/2022, toàn huyện có 54/81 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, đáp ứng nhu cầu học tập của gần 37.400 học sinh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, những gì làm được cho thấy nghị quyết đã đi vào cuộc sống, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận kết quả chưa như mong muốn. Chất lượng nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của thị xã Ea Kar trong tương lai. Vì vậy, để thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thời gian tới, huyện Ea Kar tập trung huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, vườn thực nghiệm, khu vui chơi, sân thể thao, trang thiết bị hiện đại và các trường tư thục. Trong đó, cần chú trọng và có chiến lược huy động toàn dân tham gia đóng góp, đầu tư cho giáo dục.

Năm học 2022 – 2023, huyện Ea Kar phấn đấu xây dựng 59 phòng học, 28 phòng bộ môn, 14 nhà hiệu bộ, trang bị 289 ti vi, 672 bộ máy vi tính, 183 bộ thiết bị phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng xây dựng một số công trình kiến trúc khác.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.