Multimedia Đọc Báo in

Bị “tách” hết đất thổ cư khi sang nhượng đất đai

07:55, 17/04/2022

Vì thiếu hiểu biết, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) bị “tách” hết diện tích đất thổ cư khi giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người mua làm thủ tục tách thửa.

Bên ngôi nhà xây kiên cố, bà H’Ngung Êban (buôn Sut M’đưng, xã Cư Suê) không giấu được nỗi ấm ức do bị mất hết diện tích đất thổ cư khi giao sổ đỏ cho người mua làm thủ tục tách thửa. Bà H’Ngung kể, gia đình có 3,5 sào (khoảng 3.500 m2) đất bao gồm 400 m2 đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp. Vì cần tiền trang trải cuộc sống, năm 2020, gia đình bà bán bớt 1 sào đất với giá 550 triệu đồng. Do thiếu hiểu biết, khi bán, bà H’Ngung không thỏa thuận cụ thể từng phần đất thổ cư, đất nông nghiệp. Vợ chồng bà cũng không biết chữ nên không biết nội dung ghi trong hợp đồng mua bán. Sau khi giao sổ đỏ cho người mua làm thủ tục tách thửa, họ đã “tách” hết 400 m2 đất thổ cư. Đến khi xây nhà, cán bộ đến kiểm tra, gia đình bà xem lại sổ đỏ mới biết đang xây trên đất nông nghiệp. Sự việc đã rồi, bà H’Ngung đành “ngậm bồ hòn”.

Bà H'Ngung buồn rầu vì bị "tách" hết đất thổ cư khi bán đất.

Cách nhà bà H’Ngung không xa, chị H’Na Êban (buôn Sut M’đưng) cũng bị mất hết đất thổ cư khi sang nhượng đất đai. Gia đình chị H’Na có 2,5 sào (khoảng 2.500 m2) đất, trong đó có 400 m2 đất thổ cư. Năm 2020, chị bán 1 sào đất với 600 triệu đồng. Sau khi làm hợp đồng công chứng, chị giao sổ đỏ và các giấy tờ liên quan cho người mua làm thủ tục tách thửa. Về sau, chị nhận lại giấy tờ đất mới biết đã bị người mua chuyển hết 400 m2 đất thổ cư. Bây giờ, ngôi nhà của chị mới xây thuộc đất nông nghiệp, phải tốn thêm một khoản tiền để chuyển sang đất ở. Trong khi đó, gia đình chị thuộc diện khó khăn.

 

Nếu người dân làm thủ tục tại địa phương, cán bộ làm rất kỹ, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi yêu cầu phải có xác nhận của trưởng buôn, trước khi làm hợp đồng công chứng phải đọc rõ các điều khoản, nếu người dân không biết tiếng Kinh, sẽ có người phiên dịch. Chúng tôi cũng khuyên người dân sau khi bán đất nên tìm khu đất có giá rẻ hơn mua làm tư liệu sản xuất, sử dụng tiền hợp lý, tiết kiệm…”.

Ông Đặng Văn Hoan – Chủ tịch UBND xã Cư Suê

Ông Y Hoa Niê, Trưởng buôn Sut M’đưng cho biết, toàn buôn có 354 hộ dân, với 1.725 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, người dân bán đất rất nhiều (khoảng 120 hộ), trong đó có 4 trường hợp bị mất hết đất thổ cư khi giao dịch đất đai. “Các hộ dân mất phần đất thổ cư là do thiếu hiểu biết, có trường hợp không biết chữ, khi mua bán không thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Khi bán, họ cũng không nhờ người biết chữ, uy tín trong buôn tư vấn, khi mọi việc đã xong mới báo thì chúng tôi không giúp được. Nhiều lần họp buôn, tôi đã nhắc vấn đề này cho bà con nhưng có người không nghe, không để ý”, ông Y Hoa chia sẻ.

Không riêng buôn Sut M’đưng, tại buôn Sut H’luốt cũng xảy ra nhiều trường hợp bị mất hết đất thổ cư khi bán đất cho người khác. Bà H’Đàn Niê, Trưởng buôn Sut H’luốt cho hay, thời gian qua, nhiều người đến địa phương mua đất đã tạo nên cơn “sốt đất” chưa từng có. Hầu hết người mua từ nơi khác đến, họ tự giao dịch với nhau, địa phương không nắm hết. Đáng nói, quá trình mua bán đất đai đã phát sinh nhiều vấn đề như: Người mua không trả tiền đủ cho người bán; họ cũng giữ giấy tờ đất đai trong thời gian dài mà không trả lại, người bán không liên lạc được. Đặc biệt, người dân không thỏa thuận rõ diện tích từng loại đất (đất thổ cư, đất nông nghiệp) nên khi giao giấy tờ đất cho người mua đi làm thủ tục tách thửa, họ lại lấy hết phần đất thổ cư.

Ngôi nhà xây của chị H'Na đang nằm trên đất nông nghiệp.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, đã nắm thông tin một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận đủ tiền bán đất, giấy tờ đất đai và bị lấy hết phần đất thổ cư khi sang nhượng. Những vấn đề này, người dân không trực tiếp báo chính quyền mà do ban tự quản thôn, buôn báo lên. Hầu hết người dân làm thủ tục sang nhượng đất đai tại các phòng công chứng tư nhân nên chính quyền rất khó nắm bắt, can thiệp kịp thời. UBND xã cũng nhiều lần khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch đất đai..

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.