Multimedia Đọc Báo in

Đừng tự làm bác sĩ cho F0!

20:12, 10/03/2022

Thời điểm này, dịch COVID-19 ở Đắk Lắk đang căng thẳng, có ngày lên đến 3.000 ca mắc mới. Bất cứ ai cũng có thể trở thành F0 nếu tự bảo vệ mình không tốt. Khi những ca COVID-19 trong cộng đồng liên tục gia tăng, mọi người cũng không còn quá hoang mang với việc nếu không may trở thành F0. Trong tình huống mắc bệnh, ngoài việc điều trị thì “thanh lọc” thông tin cũng coi như một cách để F0 trị liệu cho chính mình.

Bạn tôi, một người khá kỹ tính và thận trọng phòng dịch mỗi khi ra ngoài. Một ngày không may, bạn trở thành F0. Bạn thực hiện chăm sóc sức khỏe tại nhà và chia sẻ tin tức với mọi người. Sau những tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm từ người thân, bạn bè thì bạn cũng nhận được rất nhiều hướng dẫn về cách điều trị cho đến tư vấn mua các loại thuốc liên quan. Chị bạn thân của bạn, khi biết tin thì bắt đầu chia sẻ công thức, kinh nghiệm chữa F0. Ngay lập tức, chị ấy kê cho một “list” dài các loại thuốc được cho là có tác dụng tốt trong điều trị COVID-19 vì chị vừa mới khỏi F0 và thấy hiệu quả, bảo đứa em nhất định phải mua dùng. Chị bạn thân khác bán tạp hóa cạnh nhà thì mau chóng gói ghém gửi cho mấy chai nước muối sinh lý, nước sát khuẩn, vài ký cam và cũng không quên kèm theo “đơn thuốc” được nhiều bạn bè chị truyền tai nhau là tốt cho điều trị COVID-19. Đứa em gái của bạn, gọi điện thoại nhiều lần trong ngày, dặn đi dặn lại chị phải kiêng tắm gội vì cho rằng tắm gội sẽ làm bệnh trở nặng hơn... Trong các nhóm Zalo, Facebook, bạn bè còn không ngừng chia sẻ hàng loạt thông tin về thuốc để trị COVID-19 từ các “bác sĩ mạng”. Bất cứ người nào trong danh bạ bạn bè của bạn lúc này cũng có thể trở thành... người tư vấn, điều trị cho F0. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vậy là, song song với việc “chiến đấu” với COVID-19, bạn tôi bắt đầu nhiễu loạn thông tin. Từ chia sẻ của mọi người, bạn trở nên bối rối, hoang mang với việc uống thuốc gì, chăm sóc ra sao, có phải kiêng cữ gì không?

Thực tế, số ca COVID-19 đang tăng vọt, nhu cầu quan tâm, chia sẻ với người mắc bệnh là điều rất dễ hiểu. Đáng nói là hiện nay, đang có rất nhiều “đơn thuốc” khác nhau, chủ yếu được người này chuyển cho người kia mà không rõ triệu chứng nào thì dùng loại thuốc nào? Tác dụng của từng loại thuốc, liều lượng và thời điểm uống? Đó là chưa kể, có những “đơn thuốc” truyền tai nhau vô tình làm sai lệch thông tin chính thống từ bác sĩ có chuyên môn.

Nhiều người cứ vô tư chia sẻ công thức điều trị F0 mà không hiểu điều trị bệnh nhân COVID-19 là điều trị cá thể hóa, mỗi người bệnh có thể trạng và triệu chứng khác nhau, khả năng thích ứng khi nhiễm bệnh khác nhau nên cách điều trị không thể giống nhau được. Cùng là F0 nhưng không thể lấy đơn thuốc điều trị của người này thoải mái áp dụng cho người khác. 

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Các đường dây nóng, tổ hỗ trợ COVID-19 cộng đồng, hệ thống y tế cơ sở luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Do đó, nếu là F0, người dân không nên tự ý điều trị hay tin theo những “đơn thuốc” được truyền miệng hoặc lan truyền trên mạng xã hội. Đừng thấy đơn thuốc dùng cho F0 này khỏi bệnh mà đem áp dụng cho người tiếp theo. 

Mức độ bệnh khác nhau sẽ có những khuyến cáo dùng thuốc khác nhau. Hơn lúc nào hết, F0 cần tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống, cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về phòng ngừa, điều trị COVID-19 và chọn lọc thông tin chính xác.

Theo các chuyên gia y tế, đối với F0 điều trị tại nhà có thể trang bị một số thuốc như giảm đau, hạ sốt, thuốc ho, bù điện giải, đa sinh tố và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, vitamin D, kẽm... Các chuyên gia y tế cũng lưu ý rằng, chỉ sử dụng thuốc đặc trị COVID-19 khi có ý kiến của bác sĩ, vì thuốc này có những chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ. Đồng thời, trong quá trình sử dụng cần được giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc. Vì vậy, việc tự ý dùng thuốc trị COVID-19 đôi khi không giúp cho điều trị bệnh mà còn tiềm ẩn nguy cơ “tiền mất tật mang”, nguy hại đến tính mạng.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.