Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập Báo Đắk Lắk (15/1/1976-15/1/2022):

Những điều đọng lại sau mỗi chuyến đi

12:55, 14/01/2022

Nghề báo giúp chúng tôi có cơ hội được rong ruổi khắp nơi, tiếp xúc nhiều người, nhiều phận đời. Trong vô vàn cuộc gặp gỡ trên hành trình tác nghiệp, có những câu chuyện lắng đọng mãi trong trái tim, như tiếp thêm "lửa" yêu nghề đi và viết…

Năm 2018, chúng tôi nhiều lần theo chân những người lính công binh rà phá bom mìn trên khắp địa bàn tỉnh để dò gỡ những đạn bom sót lại trên vạt rẫy, vườn nhà, trên mặt đường, thậm chí giữa lòng thị thành, dẫu chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm…

Còn nhớ, tại huyện Cư M’gar, khi “vô hiệu hóa tử thần” nặng trên 200 kg, các chiến sĩ công binh đã hợp sức đưa nó đến địa điểm hủy nổ cách nơi ban đầu hơn 40 km. Đối diện quả bom nặng, các anh nhiều lần nhắc nhở nhau phải đặt an toàn tuyệt đối lên hàng đầu, và từng bước, từng bước di dời, đặt lượng nổ, đấu nối dây điện, chuẩn bị cho quá trình hủy nổ.

Sau tiếng dội chát chúa vang trời là một cái hố rộng, che lấp sự sống. Đứng giữa tan hoang, tôi như lặng đi khi nghĩ đến những nỗi đau mà bom đạn kẻ thù đã từng trút xuống trên dải đất Việt Nam và những nỗ lực không ngừng của người lính hôm nay để trả lại màu xanh cho đất. Chuỗi ngày theo chân các anh đã giúp tôi góp nhặt thêm tư liệu cho loạt bài “Xoa dịu vết thương bom mìn” với những tình tiết sinh động, chân thực.

Lực lượng công binh cùng cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư Mgar phối hợp xử lý quả bom nặng trên 200 kg
Lực lượng công binh cùng cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M'gar phối hợp xử lý quả bom nặng trên 200 kg.

Nghề báo đã cho chúng tôi có điều kiện để đi cùng những người lính xuống buôn làng, về xã đặc biệt khó khăn, những trập trùng núi rừng và chứng kiến những nỗi niềm đau đáu của thân nhân liệt sĩ. Có người dù đã ngoài tuổi 70, nhưng vẫn luôn khắc khoải, đau đáu việc tìm kiếm đưa hài cốt em mình ở đâu đó trên đất bạn Campuchia về chăm lo hương khói. Có người đã hơn nửa cuộc đời vẫn đi khắp mọi tỉnh thành, rừng hoang núi thẳm để cố tìm bằng được hài cốt cha anh mình đang nằm đâu đó. Rất nhiều nỗi đau, nỗi khôn nguôi đã thôi thúc chúng tôi đi và viết về những hành trình của người đi tìm và người đã mãi mãi ngã xuống.

Nghề báo giúp chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều người thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Đặc biệt, khi được giao phụ trách lĩnh vực quốc phòng - an ninh, chúng tôi càng gắn bó hơn với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và được họ truyền năng lượng tích cực từ chính nếp nghĩ, hành động, cách làm.

Phóng viên Báo Đắk Lắk trong một lần tác nghiệp tại biên giới
Phóng viên Báo Đắk Lắk trong một lần tác nghiệp tại biên giới.

Đó là chiến sĩ Mlô Y Yức, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn cháy hết mình với niềm đam mê múa. Dồn cả tình yêu cho nghệ thuật, những bài múa do chính anh biên đạo không chỉ lan tỏa tình yêu đời, yêu người, mà còn để lại dấu ấn thật đẹp cho quãng đời quân ngũ.

Đó là Đại úy Rahlan Huỳnh, Thượng úy H’Quý Rơ Chăm thông minh, đa tài, luôn sôi nổi, nhiệt huyết và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù ở cương vị nào, ở họ cũng luôn toát lên sự cống hiến hết mình bằng chính tình yêu, sự nỗ lực, sáng tạo để làm mới và nâng cao hiệu quả công việc giữa bộn bề khó khăn, vất vả.

Đó là ca sĩ Roda Mick với chất giọng khỏe khoắn, phóng khoáng của nắng gió đại ngàn, anh như chạm vào trái tim người yêu âm nhạc theo từng giai điệu, bài hát thể hiện… Và còn đó rất nhiều cán bộ, chiến sĩ dù làm nhiệm vụ ở miền núi, hay biển đảo, thành thị hay vùng sâu cũng đều luôn nỗ lực để làm tròn trách nhiệm được giao phó. 

Nghề báo không phải lúc nào cũng hào nhoáng, tuyệt vời, mà còn có cả những nỗi niềm đau đáu, những trăn trở không thể kể hết. Tuy vậy, trên muôn nẻo đã, đang và sẽ qua càng giúp chúng tôi thêm trưởng thành, vững tin hơn vào sự lựa chọn của mình - nghề báo. 

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc