Multimedia Đọc Báo in

Xử lý rác thải y tế trong phòng, chống dịch:

Bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng (Kỳ 1)

07:11, 05/11/2021

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vấn đề kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn lây đóng vai trò đặc biệt quan trọng; trong đó, việc quản lý rác thải, chất thải nguy hại từ các cơ sở điều trị, khu cách ly... là việc làm cấp thiết nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe cho mỗi người.

Kỳ 1:  "Nóng" rác thải mùa dịch

Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã phát sinh một lượng rác thải đáng kể, nhất là chất thải y tế từ các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực phong tỏa, cách ly...

Những con số biết nói

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 với 1.620 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng, tính đến nay đã và đang điều trị cho hơn 3.500 bệnh nhân. Cùng với đó, nhiều khu cách ly tập trung được thành lập với hàng chục nghìn người phải thực hiện cách ly tập trung; hàng trăm khu dân cư với hàng nghìn hộ bị phong tỏa...

Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, ngoài chất thải sinh hoạt phát sinh tương đối lớn thì chất thải rắn y tế phát sinh trung bình là 1,74 kg/giường bệnh/ngày (trong đó 85,56% là chất thải thông thường, 13,63% là chất thải lây nhiễm, 0,81% là chất thải nguy hại khác); chất thải y tế nguy hại là 0,24 kg/giường bệnh/ngày…

Như vậy, lượng rác thải sinh hoạt và rác thải y tế thải tại các khu vực nói trên phát sinh hằng ngày là rất lớn. Trong khi đó, tổng năng lực xử lý của các lò đốt, lò hấp đã được đầu tư tại 26 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là 16.440 - 17.844 kg/ngày.

Lực lượng thu gom rác thải phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) khử khuẩn rác thải trước khi thu gom tại khu vực bị phong tỏa.

Đơn cử như ở thị xã Buôn Hồ có 3 khu cách ly tập trung với hàng trăm trường hợp thực hiện cách ly. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, trung bình mỗi ngày một khu cách ly thải ra khoảng 70 - 80 kg rác thải y tế. Để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người đang cách ly cũng như cán bộ, nhân viên y tế đơn vị, hằng ngày rác thải được Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ thu gom và đưa về Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ) để xử lý.

Đó là chưa kể rác thải ở các khu cách ly tập trung và khu phong tỏa của các xã, phường trên địa bàn thị xã được các đơn vị này tự xử lý theo phương pháp thủ công như đốt, chôn lấp. Tính ra, trung bình mỗi ngày lượng rác thải y tế thải ra lên đến con số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ki-lô-gam.

Linh hoạt phương pháp xử lý rác thải

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, thời gian qua, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đã được các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai, thực hiện theo quy định nhằm không để phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Lực lượng chức năng thực hiện vệ sinh môi trường ở một khu dân cư bị phong tỏa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo ông Hoàng Văn San, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, trang bị hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải. Trong đó, tại TP. Buôn Ma Thuột, hiện có hai cơ sở là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế hiện đại, đáp ứng được việc xử lý rác thải y tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, hình thức xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, nguy hại tại bệnh viện và các trung tâm y tế cấp huyện chủ yếu được xử lý tại chỗ bằng phương pháp hấp ướt khử khuẩn, tiệt trùng và đốt chất thải bằng lò đốt ngay tại từng địa phương. Các cơ sở y tế tuyến xã thì đang thực hiện tự xử lý bằng các phương pháp thủ công thô sơ.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã đưa ra phương án liên kết xử lý liên huyện trong trường hợp chất thải phát sinh vượt quá công suất các công trình xử lý hoặc gặp sự cố không hoạt động được. Cụ thể, cơ sở phát sinh sẽ chủ động liên hệ với các địa phương lân cận để thực hiện vận chuyển đến trung tâm y tế tuyến huyện khác gần nhất để phối hợp xử lý. Trong đó, cụm 1 gồm TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M'gar, Ea Súp, Buôn Đôn; cụm 2: thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea H'leo, Krông Búk, Krông Năng; cụm 3: huyện M'Drắk, Ea Kar, Krông Pắc; cụm 4: huyện Lắk, Cư Kuin, Krông Bông, Krông Ana.

Công nhân thu gom rác thải xịt khử khuẩn trước khi đưa rác thải tại khu phong tỏa đi xử lý.

Để góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như an toàn sức khỏe cho cả cộng đồng, chất thải sinh hoạt tại các cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được thu gom về nơi tập kết rồi khử khuẩn, sau đó mới được đưa ra bãi rác xử lý rác thải sinh hoạt.

Riêng rác thải y tế tại các khu vực phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 sẽ được phân loại thành chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại. Tất cả đều được phân loại ngay từ đầu và cho vào thùng đựng chất thải; sau đó sẽ được nhân viên thu gom, vận chuyển đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế xử lý nghiêm ngặt theo đúng quy trình.

Trong quá trình thu gom, xử lý rác thải y tế, công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cũng được đặc biệt chú trọng với việc trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa, đồ bảo hộ cá nhân… theo đúng quy định.

Dù đã có quy định khá nghiêm ngặt về việc xử lý rác thải y tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhưng trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện quy định vẫn còn gặp những khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, với công suất của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh như hiện nay, hệ thống xử lý chất thải y tế vẫn đáp ứng trong trường hợp tổng số ca nhiễm - nghi ngờ nhiễm toàn tỉnh là 20.000 người cùng lúc với khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh tạm tính là 4.800 kg/ngày.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Thách thức trong xử lý rác thải y tế ở vùng nông thôn


Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc