Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Cách ly hiệu quả công dân trở về từ các tỉnh phía Nam

17:34, 10/10/2021

Hơn một tuần qua, huyện Krông Pắc đã đón trên 2.700 công dân từ các tỉnh phía Nam trở về. Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, địa phương này đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo trong việc cách ly công dân trở về từ vùng dịch.

Tận dụng chuồng bò, chòi rẫy làm nơi cách ly

Vợ chồng anh Phùng Văn Quang (ở thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc) đi làm công nhân ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty tạm dừng hoạt động, vợ chồng anh cũng mất việc làm. Suốt 3 tháng liền không thể trở về quê, không có việc làm, những đồng tiền dành dụm ít ỏi để gửi về cho mẹ già và các con ở quê đã phải dùng để trả tiền nhà trọ và mua cái ăn qua ngày. Đang lo lắng vì không biết lấy gì để sinh sống khi tiền dành dụm đã cạn thì tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cánh, vợ chồng anh nhanh chóng thu xếp hành lý trở về quê.

Vượt chặng đường gần 400 km về đến Đắk Lắk, sau khi làm xét nghiệm test nhanh âm tính với SARS-CoV-2, vợ chồng anh Phùng Văn Quang được chính quyền địa phương tiếp nhận đưa về huyện Krông Pắc và hướng dẫn cho về thực hiện cách ly tại nhà.

Về tới nhà rất vui mừng, nhưng vì để phòng chống dịch bệnh, 2 vợ chồng anh đã cải tạo lại chuồng bò cũ của gia đình để làm nơi ở tạm trong những ngày cách ly cho thuận tiện trong sinh hoạt, ăn uống. “Trong những ngày cách ly, chính quyền địa phương thường xuyên đến giám sát và hỗ trợ gạo, dầu ăn, nước mắm, mì tôm, đường. Mặc dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và khi ở Bình Dương đã được tiêm một mũi vắc xin, nhưng vợ chồng tôi sẽ không chủ quan mà tuân thủ chặt chẽ quy định cách ly để để bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng” – Anh Phùng Văn Quang chia sẻ.

Vợ chồng anh Phùng Văn Quang, thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc cách ly tại chuồng bò cũ của gia đình.
Vợ chồng anh Phùng Văn Quang, thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc cách ly tại chuồng bò cũ của gia đình.

Cùng trở về từ tỉnh Bình Dương, anh Đồng Thanh Hiếu (ở thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc ) và 1 người bạn đang thực hiện cách ly chung ở chòi rẫy của gia đình bạn ở trong thôn. Anh cho biết, hơn 3 tháng qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Bình Dương, anh bị mất việc làm, số tiền dành dụm đã tiêu hết. Ngay khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, anh đã chạy xe máy về quê. Khi về tới địa phương, do gia đình không có đủ điều kiện cách ly riêng nên anh được chính quyền địa phương bố trí cho ở ghép với người bạn về cùng. Hằng ngày bữa ăn của Hiếu và bạn được bố mẹ 2 gia đình “tiếp tế” theo cách mang đồ ăn xuống treo ở gần chòi rồi về chứ không gặp gỡ, tiếp xúc để bảo đảm cách ly đúng quy định phòng chống dịch.

Ông Triệu Văn Đường, Thôn phó thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc cho biết, trong những ngày qua, thôn đã đón 15 người về từ các tỉnh phía Nam trở về. Để sắp sếp chỗ ở phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch theo đúng quy định, Ban tự quan thôn đã rà soát số hộ có nhà trong rẫy cà phê, có nhà bỏ trống, rồi bàn bạc thống nhất với các hộ dân cho mượn những ngôi nhà đó để làm nơi cách ly. Công tác giám sát người cách ly được Ban tự quản và Tổ COVID cộng đồng của thôn thực hiện nghiêm túc, hằng ngày trực tiếp đến các hộ gia đình tuyên truyền cho các công dân đang cách ly thực hiện đúng 5K để giữ an toàn cho người thân cũng như bà con lối xóm của thôn mình.

Cách ly trong những “ngôi nhà dân nuôi”

Tại xã Ea Yiêng - xã vùng 3 của huyện Krông Pắc, do số lượng nhà trong rẫy rất ít, chính quyền địa phương đã trưng dụng các nhà cộng đồng của từng thôn và một số công trình công cộng làm khu cách ly và gọi đây là những “ngôi nhà dân nuôi”. Trong mỗi công trình được dựng các vách ngăn phòng bằng ni lông tương ứng với số người cách ly. Ban tự quản các thôn phối hợp với tổ COVID cộng đồng và lực lượng thanh niên đi vận động lương thực, bố trí người nấu ăn, phân phát cho người trong “ngôi nhà dân nuôi”. Đoàn thanh niên địa phương đã phát động các chương trình hỗ trợ lương thực thực phẩm để đảm bảo cho người dân yên tâm thực hiện cách ly.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn Ea Mao, xã Ea Yiêng được trưng dụng làm nơi cách ly cho công dân trở về từ các tỉnh phía Nam.
Nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn Ea Mao, xã Ea Yiêng được trưng dụng làm nơi cách ly cho công dân trở về từ các tỉnh phía Nam.

Anh Trần Đức Hậu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Krông Pắc cho biết, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện đã tổ chức chiến dịch triệu bữa cơm, trong đó vào các buổi chiều, lực lượng của Hội sẽ chuyển các suất ăn cho công dân đang thực hiện cách ly ở các “ngôi nhà dân nuôi” trên địa bàn xã Ea Yiêng. Đồng thời Hội cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm để Ban tự quản các thôn, buôn của xã tự nấu và cung cấp suất ăn cho lực lượng cách ly tại địa phương.

Tính đến 10-10, huyện Krông Pắc đã tiếp nhận hơn 2.700 người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Trong số này có 11 người đang cách ly tập trung tại huyện, 54 người cách ly tập trung tại các xã và gần 2.700 người cách ly tại nhà. Đảm bảo việc cách ly nghiêm túc để phòng dịch, UBND huyện đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị chức năng. Theo đó, ngành y tế thực hiện test nhanh cho người dân 3 ngày 1 lần, hàng ngày gọi điện yêu cầu công dân tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe. Ngành công an đảm bảo an ninh trật tự tại những địa điểm cách ly. Các tổ chức hội, đoàn thể vận động kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho bà con bên cạnh nguồn lực từ nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh, để đảm bảo công tác cách ly phòng chống dịch, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các công dân trở về từ các tỉnh phía Nam, huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh hoạt động của Tổ COVID cộng đồng ở các xã thị trấn giám sát các gia đình có người bị cách ly và báo cáo thường xuyên về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã ngày 2 lần.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập tổ an sinh xã hội nhằm đảm bảo nguồn lực của huyện cũng như nguồn lực vận động của các mạnh thường quân để hỗ trợ kịp thời cho người dân cách ly trong thời gian gặp khó khăn do đại dịch COVID -19.

Nhờ cách làm phù hợp, công tác cách ly người dân trở về từ các tỉnh phía Nam trên địa bàn huyện đang nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân.

Kim Hoàng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.