Multimedia Đọc Báo in

Những “Mầm non xanh biếc” của văn học thiếu nhi Đắk Lắk

06:47, 03/11/2024

Tập sách “Mầm non xanh biếc” (NXB Hội Nhà văn, 2023) - tuyển chọn gồm 49 tác phẩm là những sáng tác tiêu biểu của 26 tác giả thiếu nhi ở Trại bồi dưỡng sáng tác Hạ Xanh do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức năm 2023. Các tác phẩm thuộc các thể loại: truyện đồng thoại, truyện ngắn, thơ, tản văn.

Ở truyện đồng thoại, các tác giả thường hóa thân vào nhân vật là những vật dụng, vật nuôi, chim thú, trang phục để thể hiện những hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và sinh hoạt của thiếu nhi, từ đó rút ra những bài học bổ ích về lẽ sống.

Truyện “Ai đẹp hơn” của H’Bia Kbuôr miêu tả mối quan hệ giữa Bút Dạ Cam, Bút Chì và Bút Bi Xanh, qua đó tác giả nêu quan niệm về vị trí, giá trị của mỗi thành viên trong cộng đồng, để mỗi thành viên có thái độ sống đúng đắn hơn.

Truyện “Ước mơ của Mun” (Nguyễn Đăng Hà Châu) thông qua câu chuyện trồng hoa của Mèo Mun để bộc lộ suy nghĩ về hạnh phúc: “Hạnh phúc đến bởi sự cố gắng và thành tâm chứ không phải là một vẻ đẹp chóng vánh mau tàn”. Truyện “Nghìn năm trong lòng đất” (Phạm Tiến Dũng) thông qua thân phận của một túi ni lông bị vứt bỏ và chìm dần trong lòng đất nhắc nhở mọi người về ý thức bảo vệ môi trường…

Tản văn là những ghi nhận của các em về các hiện tượng đời sống được chứng kiến và trải nghiệm, từ đó rút ra nhiều bài học nhận thức và tình cảm. “Bố” (Vũ Ngọc Huyền) là quá trình thấu cảm của người con đối với người cha có bề ngoài lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng thực sự là con người đầy tình thương và trách nhiệm.

“Bức tranh đẹp nhất” (Trương Quỳnh My) miêu tả sự chuyển biến thái độ và tình cảm của người cháu đối với ông nội có cái lưng gù. Từ đó, tác giả thể hiện cách nhìn con người và cuộc sống: “Chúng ta đừng nhìn bề ngoài của một người mà chê bai họ con nhé. Họ có những khiếm khuyết về cơ thể là điều không mong muốn, nhưng họ có một tâm hồn rất trong sáng”. “Món quà từ nụ cười ngây ngô” (Nguyễn Lê Khanh) là trải nghiệm của tác giả khi đến thăm và giao lưu với các em thiếu nhi khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Ở đây, em đã cảm nhận được lòng yêu thương và bài học về tình yêu cuộc sống, ý thức vượt lên nghịch cảnh của các bạn khuyết tật.

Truyện ngắn thường là những mẩu chuyện phản ánh mối quan hệ tình cảm trong gia đình, bạn bè trong làng xóm, khu phố, quan hệ với thầy cô giáo và bạn bè ở lớp, ở trường. Truyện “Giấc mộng đẹp đẽ” (Nguyễn Ngô Kim Giao) là giấc mơ của cô gái nhà nghèo: Mơ làm công chúa trong cung điện hoàng gia, sống trong giàu sang hoa lệ, nhưng sự thật lại gặp phải nhiều điều phiền toái. Từ đó, tác giả nêu bài học quý: Mỗi người phải biết sống cuộc sống và niềm vui hiện tại của mình, đó mới là hạnh phúc, chứ không nên mơ mộng hão huyền.

Tác giả Nguyễn Đức Pho với truyện ngắn “Món quà ngày sinh nhật” kể về một học sinh nghịch ngợm, quậy phá nhưng lại có tình cảm chân thành và sâu sắc đối với mẹ trong ngày sinh nhật, từ đó rút ra một nhận thức đúng đắn: “Chính tình yêu thương ấy mới đủ khả năng cảm hóa những tội lỗi của con người”. Truyện “Khỉ con nhớ rừng” (Phùng Duy Tấn) thông qua câu chuyện khỉ con bị người giăng bẫy bắt về làm xiếc thú đã góp tiếng nói phê phán nạn săn bắt và bạc đãi đối với thú rừng.

Có những tác phẩm xây dựng được cốt truyện với tình huống độc đáo, gay cấn, hấp dẫn như truyện “Cô gái trong tranh” của Trương Nguyễn Hoàng Mai, truyện “Giấc mộng đẹp đẽ” của Nguyễn Ngô Kim Giao. Truyện “Tình mẹ” của em Nguyễn Thị Phương Thảo kể câu chuyện xúc động và hấp dẫn về tình mẹ con trong một hoàn cảnh quan hệ đặc biệt éo le (mẹ nuôi, mẹ đẻ) với diễn biến tâm lý nhân vật khá phức tạp và tinh tế.

Thơ của các em biểu hiện cảm xúc trực tiếp với cảnh sắc thiên nhiên, con người, đời sống sinh hoạt, học tập, qua đó thể hiện tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương đất nước, niềm vui sống trong cảnh thanh bình.

Bài “Đắk Lắk quê tôi” của Lưu Đức Thảo Nhân ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và sự phong phú, giàu có của quê hương: “Tôi yêu Đắk Lắk quê tôi/ Non xanh nước biếc núi đồi đẹp xinh/ Yêu sao nắng sớm bình minh/ Cao su ưỡn ngực vươn mình chạm nhau/ Cà phê xanh ngát một màu/ Làm nên thương hiệu tự hào Ban Mê”. Đáng chú ý là bài “Cõng nắng” của tác giả Phạm Tiến Dũng, có tứ thơ và ngôn từ mới lạ, nghệ thuật ẩn dụ làm nổi bật vẻ đẹp của những tia nắng cũng như ước mơ của các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: “Nắng/ Có tia vàng xuyên mây/ Rực rỡ/ Có hạt mềm e ấp trong sương giăng/ Mịt mờ/ Chúng tôi/ Tia nắng vàng xuyên mây/ Mơ được sáng tới vùng xa xôi/ Chiếu tới miền đất hứa”.

Nhìn chung, tuy còn những hạn chế không thể tránh khỏi, nhất là về nghệ thuật thể hiện, nhưng đây là những mầm xanh văn học đầy hứa hẹn cần được tiếp tục quan tâm bồi dưỡng để các em trở thành những cây bút thực thụ và tài năng trong tương lai, góp phần phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Nguyễn Phương Hà


Ý kiến bạn đọc