Multimedia Đọc Báo in

“Miền gió say” – những đổi mới trong thơ Trần Nguyệt Ánh

16:28, 06/03/2022

Có những đổi mới - đấy là cảm nhận đến với tôi tức thì, ngay sau khi đọc tập thơ thứ hai của Trần Nguyệt Ánh: “Miền gió say” (NXB Hội Nhà văn - 2021).

Tập thơ này ra đời sau tập thơ đầu tay của chị (Gọi về miền nhớ - NXB Hội Nhà văn - 2019) chỉ hơn một năm. Điều đó chứng tỏ mức độ “say thơ”, niềm đam mê sáng tác của chị thật mãnh liệt. Đúng như chị thú nhận: 

Trót lòng uống một hồn thơ

Mà say nửa kiếp đến giờ chưa thôi.

                                                            (Say thơ)

Nhờ sự say mê, chung thủy, trăn trở ngày đêm với thơ, nên người đọc dễ thấy Trần Nguyệt Ánh đã “lên tay” qua tập thơ này. Tính bản năng trong các bài thơ, sự vụng về, sáo mòn trong câu chữ ít hẳn so với tập thơ trước; đề tài, chủ đề phản ánh mở rộng hơn; có nhiều tìm tòi hơn trong cách thể hiện, cách dụng từ, tạo cảm giác mới mẻ cho câu thơ; tứ thơ rõ nét, có nhiều bài thơ cấu trúc chặt chẽ, trọn vẹn hơn; đồng thời, cũng có nhiều câu thơ hay khiến người đọc thích thú. Qua đó, có thể thấy Trần Nguyệt Ánh đang vượt, thoát dần khỏi lối viết bản năng trời phú để vươn lên tính chuyên nghiệp trong sáng tạo thơ. 

 

Ở tập thơ này, phần lớn số bài chị vẫn dành viết về tình yêu, nhưng sự vay mượn cảm xúc, sự tưởng tượng ra các tình huống xa cách, trắc trở, đau, buồn, nhớ nhung... trong tình yêu không còn lộ rõ như tập thơ trước. Người đọc đã nhận thấy thơ tình của chị thật hơn, nhiều trải nghiệm hơn, vốn sống nội tâm phong phú hơn.

Ví dụ, trong bài “Hạnh phúc từ căn bếp nhà mình”: “Em tìm thấy hạnh phúc trong căn bếp nhà mình/ Khi có thêm bàn tay anh cùng nhau nhóm lửa/ Cuộc sống mình được chắt chiu từ gạo, dầu, khoai, lúa/ Nêm gia vị cuộc đời có cả những đắng cay...”,  thì rõ là chị đã chân thật hơn trong cảm xúc, trong trải nghiệm cuộc đời.

Hoặc trong bài “Mảnh vá đời tôi”: “Mảnh này vá nỗi thương đau/ Mũi kim đâm thấu tận sâu đáy lòng/ Mảnh này vá những long đong/ Cho đời an phận thoát vòng đa đoan”, ta thấy rõ chị đã “nhập hồn” sâu sắc hơn vào nhân vật trữ tình; do đó, người đọc dễ cảm thông và dễ tiếp nhận hơn những điều chị thổ lộ.

Bên cạnh mảng thơ tình (chiếm phần lớn) trong tập thơ này, người đọc cũng thấy nội dung chị phản ánh, đề cập đã rộng hơn, đa dạng hơn. Nhiều vấn đề của con người trong cuộc sống đời thường, như tình cảm với mẹ, với quê hương, vẻ đẹp của người phụ nữ trong lao động, về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của thanh niên, về môi trường sống... đã được chị quan tâm, thể hiện. Trong đó, vấn đề môi trường được chị đề cập tới nhiều lần, trong nhiều bài, như: “Nước và đá”, “Khi bóng tối bủa vây”, “Linh hồn tượng gỗ”...

Đây là một đoạn thơ của chị trong bài “Lời tự tình của suối”: “Chiều nay một mình đỉnh dốc/  Ngắm dòng suối tóc tự tình/ Chim bay mãi không về bản/ Một đời róc rách điêu linh/ Ơ kìa hôm nay suối khóc/ Dòng em ướt thẫm chân đồi/  Kơ tia rủ nhau đi trốn/ Rừng kêu thảm thiết than ôi!...”.

Hẳn tiếng kêu thảm thiết của rừng trong nhiều năm qua tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến chị không thể cầm lòng ở mãi trong “ngôi nhà tình yêu” của mình. Chị đã phải động lòng bước ra khỏi ngôi nhà quen thuộc để cùng lên tiếng, để cùng xót xa với bao người đang xót xa, đau đớn trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của Tây Nguyên bị tàn phá và biến mất từng ngày.

Nhưng điều đáng quan tâm nhất trong tập thơ này, tôi muốn nhấn mạnh với tất cả sự trân trọng, đó là gần đây Trần Nguyệt Ánh đã rất cố gắng tìm tòi những cách nói mới, cách sử dụng từ ngữ linh hoạt, sáng tạo hơn, để thoát ra khỏi cách diễn đạt quen thuộc, khuôn thước bình thường; nhờ đó, từ ngữ có thêm những chiều kích biểu đạt mới, tạo được ấn tượng mới mẻ, thích thú cho người đọc  - đây cũng là một lối tìm tòi, sáng tạo của nhiều nhà thơ hiện nay.

Ví dụ: chị có những cách dụng từ như sau: “Nỗi nhớ dậy thì” (trang 52); “Bẻ lái câu thơ” vượt qua “khúc cua lòng” (trang 47); “Gả buồn” cho niềm vui mới (trang 61); Em “vẽ nỗi đau” bằng những nụ cười buồn (trang 59); Thời gian “nhuộm úa dại khờ” trong nhau (trang 79)...

Bằng lối tìm tòi đó chị đã đưa đến cho người đọc nhiều câu thơ hay: “Độc hành về phía cơn say/ Tình trong đáy cốc vương đầy mắt nhau”, hoặc: “Em hắt mực vào mùa thu cho lá úa đổi màu/ Phủ sắc xanh cho tình anh hòa vào bất tận”(trang 91). Không chỉ có những câu thơ hay, chị còn có những bài thơ hay, như: “Trái tim dị bản” (trang 87), “Tình yêu màu cổ tích” (trang 92)...

Đây là những thành công bước đầu trong tìm tòi, đổi mới thơ của Trần Nguyệt Ánh. Chính vì vậy “Miền gió say” của Trần Nguyệt Ánh - một cô giáo ở Buôn Hồ - là một tập thơ rất nên đọc đối với những người yêu thơ.

  Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.