Multimedia Đọc Báo in

Nơi sử thi hồi sinh và lan tỏa

08:32, 04/08/2024

Xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) được xem là “cái nôi” văn hóa của người Êđê (nhóm Adham).

Đây là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Bên cạnh các nghi lễ, lễ hội được phục dựng và thực hành thường xuyên trong năm thì gần đây việc truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ được quan tâm và xúc tiến mạnh mẽ. Nhờ vậy di sản văn hóa tiêu biểu này đã sống lại và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul H’Nuên Niê chia sẻ: Hát kể sử thi cùng với các giá trị văn hóa truyền thống khác được 11 thôn, buôn trên địa bàn gìn giữ và thực hành trong đời sống đương đại đã tạo nên không gian sống vô cùng sinh động và giàu bản sắc khiến bất kỳ ai đến đây cũng có thể cảm nhận được.

Điều đó không những hiện rõ qua nhịp điệu sống thường ngày của cộng đồng người Êđê ở đây - từ những sinh hoạt trên các bến nước cổ xưa (nhất là bến nước buôn Sah gắn với huyền thoại dấu chân chàng Đam Di còn in lại trên tảng đá thuở nào), để cho con cháu hôm nay đến đó mỗi ngày truyền kể về tổ tiên, ông bà mình; mà trong cả những ngôi nhà dài trầm mặc kia, nhiều câu chuyện lịch sử cũng được người già lẫn trẻ nối dài thêm và sẵn sàng kể khan cho mọi người nghe khi có dịp ghé thăm vùng đất này.

Thế hệ trẻ theo học lớp truyền dạy diễn xướng và hát kể sử thi tại xã Ea Tul, huyện Cư M'gar.

Chị H’Nuên Niê tự hào rằng, không ở đâu như Ea Tul, số nghệ nhân biết hát kể sử thi hiện tại lên đến hàng chục người. Già thì có cụ Y Wang H’wing, Y Jan Êban, Y Tum Ayun; trẻ thì đang nổi lên tiêu biểu như nghệ nhân Y Thin Niê, Y Dhin Niê, H’Djuôn Niê và H’Doen Mlô… Từ những hạt nhân này đã “truyền lửa” đam mê hát kể sử thi cho thế hệ trẻ ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt là vào trung tuần tháng 5/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp diễn xướng, truyền dạy hát kể sử thi của người Êđê tại xã Ea Tul càng góp phần thúc đẩy sự lan tỏa của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này thấm sâu trong cộng đồng.

Anh Y Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar cho hay: Đến nay, tại 11 thôn, buôn thuộc xã Ea Tul đều có từ 5 – 7 nghệ nhân già và trẻ biết hát kể sử thi Êđê. Tiêu biểu như buôn Triă, buôn Pơr, buôn Yao, buôn Sah, buôn Phơng… số nghệ nhân trẻ được trao truyền, kế thừa di sản văn hóa tiêu biểu ấy ngày càng được bổ sung về mặt số lượng và nâng cao chất lượng về kỹ năng diễn xướng, hát kể sử thi. Những gương mặt trẻ nói trên đều có thể hát kể thành thạo (Khan Đăm San, Đăm Di, Đăm Bhu dăm Bha, Khing Dú, Y Dhu alahu, Y Giang Dăng) từ vài tiếng đồng hồ trở lên, thậm chí cả buổi với chất giọng, âm điệu, luyến láy cao thấp theo từng câu/đoạn kể có nhạc cụ kèn đing tút kèm theo.

Nghệ nhân Ưu tú Y Wang H’wing truyền dạy thổi kèn đing tút tạo tiết tấu, nhịp điệu kèm theo khi hát kể khan cho lớp trẻ.
 

Huyện Cư M’gar đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức thêm những lớp truyền dạy sử thi nâng cao và cơ bản để thế hệ trẻ học tập, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

 
Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar Y Mang

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem H’wing cho rằng, sở dĩ xã Ea Tul trở thành vùng đất cho sử thi sống lại và lan tỏa là nhờ những điều kiện/tiền đề cơ bản và nền tảng được chính quyền địa phương cùng cộng đồng người Êđê ở đây kiến tạo, xây dựng và vun đắp không ngừng, nhất là việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Song song với động thái nỗ lực phục hồi các sinh hoạt nghi lễ, lễ hội để tạo không gian diễn xướng cho cộng đồng (trong đó có âm nhạc cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ tre trúc, hát k’ưt, múa dân gian và đặc biệt là hát kể khan) không ngừng được tổ chức ở mọi cấp độ, quy mô, hình thức giao lưu nhằm mang lại hiệu quả thực chất và tích cực, mà theo đó chủ trương xây dựng, thực thi các thiết chế văn hóa liên quan cũng được cộng đồng hết sức quan tâm. 

Đến nay tại 11 thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Tul đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài hàng trăm ngôi nhà dài được gìn giữ và bảo tồn thì trong gần ba năm qua còn có 23 nhà dài truyền thống được phục dựng với đầy đủ ghế kpan, chiêng, ché, trống… được sắp đặt, bố trí theo phong cách truyền thống. Theo anh Y Mang, với tất cả những nỗ lực trên đã kiến tạo nên không gian văn hóa đồng bộ và bao trùm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự hồi sinh, lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Diễn xướng và hát kể sử thi trên vùng đất giàu bản sắc này.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc