Multimedia Đọc Báo in

Cồng chiêng trong tập hợp thực hành văn hóa Tây Nguyên

08:52, 19/11/2023

Các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên quan niệm rằng cộng đồng của họ gồm hai phần: Phần của con cháu đang sống ở trong các làng/bon/buôn ở phía Đông và phần của tổ tiên đã chết nhưng vẫn bất tử trong các nhà mồ ở phía Tây.

Họ sống trong một không gian ấy cùng với sự bảo trợ, che chở của các vị thần linh - và âm thanh cồng chiêng chính là phương tiện giao tiếp, kết nối và thông đạt giữa con người với thế giới bên kia. Vì thế, trong đời sống tinh thần của các tộc người ở đây, cồng chiêng được xem là tâm điểm trong tập hợp thực hành vốn văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc.

Giá trị đặc sắc và độc đáo

Theo PGS.TS. Trương Quốc Bình (nguyên chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia): Từ những đặc điểm trên mà Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005 và đến năm 2008 được tuyển chọn vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này không chỉ tiêu biểu cho bản sắc văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên, mà còn có ý nghĩa quan trọng về việc khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, đồng thời đó là một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa nhân loại.

Cồng chiêng của người Bana (làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trong Lễ hội mừng mùa. Ảnh: Ngọc Mẫn

Theo hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh, thì Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm 12 tộc người tại chỗ cư trú trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, vốn văn hóa này còn lan tỏa đến một số tộc người sống ở các tỉnh lân cận của vùng Duyên hải - miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương và Bình Phước. Trong không gian rộng lớn như vậy, văn hóa cồng chiêng đều hiện diện và đóng vai trò “cầu nối” giữa con người và thần linh trong mọi nghi lễ, tín ngưỡng, tâm linh về vòng đời cũng như mùa vụ sản xuất nông nghiệp đã cho thấy di sản văn hóa ấy thấm sâu và không thể tách rời trong đời sống của các tộc người bản xứ.

 

“Cồng chiêng Tây Nguyên đã thật sự lan tỏa trong đời sống xã hội không những bằng nghệ thuật diễn xướng, trình diễn âm nhạc,  vũ điệu thuần túy, mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi thông điệp có ý nghĩa được các cộng đồng, dân tộc phát đi trong không gian văn hóa được phục dựng, tái hiện một cách chân thật và toàn vẹn”.

 
Nghệ nhân Ưu tú Y Duê Niê, đội trưởng đội chiêng buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột

Phải nói rằng Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên giống như Nông nhạc Nongak của Hàn Quốc (Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận vào năm 2014) đều thấm đẫm tính cộng đồng sâu sắc và chỉ được thực hành trong “môi trường thiêng” là các nghi lễ do chủ thể quy định. Có điều, dưới góc nhìn của PGS.TS. Trương Quốc Bình thì trong không gian văn hóa của hai di sản trên, cồng chiêng Tây Nguyên có tính chất, ý nghĩa đại diện và dễ nhận biết trong tập hợp thực hành văn hóa của cộng đồng. Có nghĩa là trong tập hợp ấy - từ nghi thức, trang phục, vũ điệu, âm nhạc đến lời khấn (kriu yang) đều được cồng chiêng dẫn dắt. Đó là giá trị đặc sắc và độc đáo trong thực hành văn hóa truyền thống của các tộc người ở đây, bởi cồng chiêng không những là nhạc cụ thuần túy, mà trong đó có những vị thần trú ngụ để thông đạt mọi ước mơ của con người.

Tiếp nhận và ứng xử với cồng chiêng

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên ghi nhận: Từ nhận thức trên, trong hơn một thập niên qua, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cũng như cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp nhận và ứng xử với giá trị văn hóa cồng chiêng một cách đúng đắn, tích cực hơn. Những giá trị cối lõi của di sản này được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về mặt lý thuyết lẫn thực hành qua các đề án bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên từ năm 2016 cho đến nay dựa trên tinh thần công nhận của UNESCO - rằng cồng chiêng phải được thực hành trong môi trường “thiêng” của mỗi cộng đồng, dân tộc.

Ở Đắk Lắk, sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh vào năm 2005, Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng được các cấp, ngành tích cực triển khai với nhiều nội dung thiết thực, trọng tâm và kịp thời qua bốn giai đoạn liên tục, thường xuyên.

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết: Ngoài việc cấp chiêng, trang phục cho nhiều đội chiêng tiêu biểu trên địa bàn; mở hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ tiếp nối… thì nội dung được cho là quan trọng, có ý nghĩa bao trùm hơn hết là việc ngành văn hóa phối hợp với chính quyền địa phương nỗ lực phục dựng hơn 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với hoạt động diễn tấu cồng chiêng, qua đó hoàn thiện 3 hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’nông ở huyện Lắk; các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê ở huyện Ea H’leo và Lời nói vần của dân tộc Êđê ở huyện Cư M’gar.

Những nghi lễ, lễ hội truyền thống được phục dựng đồng nghĩa với việc khôi phục, tạo dựng môi trường "thiêng" cho văn hóa cồng chiêng lên tiếng và thăng hoa trong tập hợp thực hành văn hóa truyền thống của các cộng đồng, dân tộc tại chỗ trước đời sống đương đại.

Vòng xoang và cồng chiêng trong Lễ hội Mừng cơm mới của người Sê đăng (buôn Kon Hring, xã Ea Đing,huyện Cư M'gar). Ảnh: H.Hùng

Chia sẻ về điều này, Nghệ nhân Ưu tú Y Duê Niê (còn gọi là Ama Pô), đội trưởng đội chiêng buôn Kô Siêr, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) chân thành bày tỏ: Văn hóa cồng chiêng đã được mọi người cảm nhận, ứng xử với thái độ hiểu biết thấu đáo hơn. Nói đầy đủ hơn là cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành của nó - là nghi lễ, lễ hội và phong tục truyền thống vốn có. Ở đó, trong không gian văn hóa được phục dựng, tái hiện một cách chân thật và toàn vẹn đã làm nổi bật chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng; đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua hình tượng nghệ thuật trình diễn, hát múa cũng được chuyên chở và thăng hoa trong tâm hồn những ai có dịp thưởng thức và cảm nhận.

        Đình Đối


Ý kiến bạn đọc