Multimedia Đọc Báo in

“Than đỏ dưới tro tàn” - nhóm lên ngọn lửa tình yêu cuộc đời

07:53, 27/08/2023

“Than đỏ dưới tro tàn” là tập tản văn thứ 5 và là cuốn sách thứ 23 của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Những ký ức trong trẻo của tuổi thơ gắn liền tình yêu miền núi nơi nhà văn chào đời và lớn lên đã đem đến cho độc giả thêm tình yêu mến cuộc đời này, trân trọng từng phút giây đang trôi qua.

Ấn tượng đầu tiên là cuốn sách được thiết kế rất đẹp, bìa màu hồng, kèm theo 15 bức tranh minh họa rất độc đáo của họa sĩ Lê Thiết Cương. Một số bức được in trên giấy dó, kèm theo một tấm postcard được thiết kế rất tinh tế với dòng chữ: “Sách của bạn, lòng biết ơn của tôi” – như một lời tri ân mà nhà văn Đỗ Bích Thúy muốn gửi tới bạn đọc, những người đã lặng lẽ âm thầm đồng hành cùng chị trong suốt những năm tháng qua.

 

“Than đỏ dưới tro tàn” gồm 31 tản văn là 31 câu chuyện được nhà văn Đỗ Bích Thúy kể lại những điều diễn ra trong cuộc sống. Từ khi còn bé thơ sống cùng bố mẹ và các anh, rồi khi trưởng thành phải rời xa quê hương lên Hà Nội sinh sống, lập nghiệp. Nhưng nỗi nhớ miền núi, tình yêu, khát khao quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn của chị luôn hiện hữu trong từng mẩu chuyện. Dù thời gian có bào mòn, “dù phải gánh trên thân mình bao nhiêu vết thương, những ngọn núi vẫn mặc nhiên đứng đó, nhìn sống suối gió mây. Kiên định, bất khuất, tĩnh tại, nhiệt thành”. Với chị trước mỗi bão táp, muộn phiền khiến chúng ta gục ngã hãy luôn ngoảnh lại phía sau, ở đó sẽ có những điều tốt đẹp “chỉ cần luôn sống bằng một tâm hồn miền núi sáng trong và một trái tim miền núi ấm áp nhất định rồi sẽ đâu vào đó” (Về nhà).

Những câu chuyện nhà văn Đỗ Bích Thúy kể luôn giản dị, gắn với những ký ức trong trẻo. Như câu chuyện mặc thừa chiếc áo len mẹ đan cho ba anh em trong tản văn “Khi gió mùa thổi về phía mẹ”; là những đêm mang chiếu ra giữa sân nằm ngửa ngắm sao; là những lo lắng của mẹ khi bỗng nhiên đàn lợn lăn đùng ra chết thì cả nhà mất Tết trong tản văn “Đêm đầy sao”… Những câu chuyện cứ nhẹ nhàng, để độc giả càng đọc càng ngấm, càng tìm thấy mình ở trong đó, thấy được độ đằm sâu, da diết.

Bằng độ chín của một người đã có hơn ba mươi năm cầm bút, đi nhiều và luôn chăm chú quan sát cuộc sống, đã khiến cho tản văn của Đỗ Bích Thuý đằm sâu hơn, day dứt hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn. “Người ta phải mất rất nhiều năm cuộc đời mới nhận ra hiện tại là điều phải bận tâm nhất. Vì cuối cùng, đau mấy thì ai ai cũng phải sống tiếp. Phải sống chứ. Cái cuộc đời mà mẹ đã xé rách mình để sinh ra ta. Phải sống chứ, để trả ơn những người đã luôn yêu thương ta bất tận và vô điều kiện.” (Than đỏ dưới tro tàn). Nhà văn Đỗ Bích Thúy như nói hộ tâm tư của biết bao nhiêu người về ngưỡng mưu cầu của họ trong cuộc sống này, rằng: “Ồ, nếu mọi điều chúng ta muốn đều có thể đạt được trong cuộc đời này, liệu có chắc chúng ta sẽ thật là hạnh phúc? Phàm đã sinh ra làm một con người, chẳng ai là không có gánh nặng phải mang. Những gánh nặng không thể chối từ. Sống, chẳng bao giờ là dễ dàng” (Từ dưới thung lũng đi lên núi đồi).

Quả thật, cuộc sống này chẳng bao giờ là dễ dàng cả, nếu bạn đang cảm thấy một chút chênh vênh trong cuộc sống bởi guồng quay của công việc, của những áp lực khó gọi tên. Hãy tìm đến “Than đỏ dưới tro tàn” – đây sẽ là một cuốn sách mà bạn có thể cầm lên đọc bất cứ lúc nào. Bởi cuốn sách được nhà văn Đỗ Bích Thúy viết bằng tình yêu mến của bản thân dành cho cuộc đời, và gửi đến thông điệp cho mỗi người “hãy là một viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa”.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.