Multimedia Đọc Báo in

Tết pháo thăng thiên của người Lào

06:02, 06/08/2023

Dân tộc Lào đã được mệnh danh là dân tộc của lễ Tết bởi vì mỗi năm họ đều có 12 lễ hội gọi là "Hít xịp xoỏng". Một trong số lễ hội ấy phải kể đến Tết pháo thăng thiên.

Người Lào gọi Tết pháo thăng thiên là Bun Bẵng Phay. Đây là lễ hội truyền thống có tự ngàn xưa, được tổ chức vào tháng 6 lịch Lào nên còn có tên gọi khác là Tết tháng 6.

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là lễ hội này lại không được nhắc đến trong tục lệ của người Lào ở Luang Pra Bang. Thế nên có thể cho rằng người Lào Luang Phra Bang không chuộng tết này. Theo nghiên cứu cho thấy, các nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Thái - Lào rất quan tâm Tết pháo thăng thiên là: Lào Lự ở Tây Song Bản Nạp (Vân Nam – Trung Quốc , Lào - Thái ở Chiềng Mai (Thái Lan), Lào Xiêng Khoảng, Lào Viêng Chăn và hầu hết người Lào I Sản (vùng đông bắc Thái Lan), ngoại trừ tỉnh Korat.

Tết pháo thăng thiên có tự bao giờ? Tổ chức để làm gì? Câu hỏi đó chưa một ai có thể trả lời được. Nhưng có một truyền thuyết duy nhất liên quan đến Tết pháo thăng thiên chính là "Truyền thuyết Nàng Ày" hay còn có tên khác là "Truyền thuyết vua Khỏm xứ Nỏng Hản" (Nỏng Hản ngày nay là một cái hồ lớn thuộc tỉnh Xả Cồn Na Khon ở đông bắc Thái Lan).

Tái hiện truyền thuyết về Nàng Ày.

Chuyện kể rằng: Thuở xưa, có một vị vua người Khmer tổ chức thi đốt pháo thăng thiên, ai chiến thắng sẽ được vua gả công chúa Nàng Ày xinh đẹp tuyệt trần. Con trai Long Vương ở sông Mê Kông là thái tử Phăng Khi hóa thành một chàng trai tuấn tú tham gia thi nhưng pháo bị tịt ngòi. Sau lần đó, thái tử Phăng Khi vì tương tư Nàng Ày đã hóa thân thành một con sóc trắn

g trèo lên một cây to ở trước cửa hoàng cung để ngắm nhìn công chúa. Vì không biết đó là thái tử Long cung nên công chúa Nàng Ày sai người dùng tên bắn chết con sóc trắng. Trước khi chết, thái tử Phăng Khi nguyện cho thân thể của mình trở thành món ăn cho dân xứ Nỏng Hản ăn mãi không hết để chiều lòng công chúa.

Quả nhiên, khi công chúa sai người chế biến thịt sóc trắng thành món ăn mà ăn mãi không hết mới cho tùy tùng đem biếu dân chúng xứ Nỏng Hản cùng ăn, chỉ trừ những người quả phụ là không được chia phần. Long Vương hay tin đem quân truy bắt Nàng Ày và dìm nàng cùng cả xứ Nỏng Hản xuống biển hồ nước ngập mênh mông, chỉ sót lại những gò đảo giữa biển nước là nhà của những quả phụ không được ăn thịt sóc.

Qua truyền thuyết trên, ta phát hiện ra nhiều điều thú vị, vì từ năm 1966 đến 1972 trở lại đây, Cục Nghệ thuật Thái Lan đã khai quật tìm kiếm cổ vật ở Bản Xiêng thuộc khu vực quanh hồ Nỏng Hản đã phát hiện được đồ đất nung và hài cốt người. Tất cả đã được chuyển đến Bảo tàng Trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) giám định niên đại, cho thấy những cổ vật này có niên đại cách đây khoảng từ 5.000 năm đến 7.000 năm.

Truyền thuyết Nàng Ày trên đây không phải là giai thoại nhằm lý giải nguồn gốc Tết pháo thăng thiên mà chỉ là câu chuyện có liên quan đến lễ Tết này mà thôi. Nguồn gốc của lễ Tết này đến nay chưa tìm thấy lời giải đáp trong bất kỳ truyền thuyết nào.

Người Lào rước pháo thăng thiên trong lễ hội.

Người Lào đốt pháo thăng thiên là nhằm thờ phượng Ngọc Đế cầu mưa thuận gió hòa. Người dân nói hệ ngôn ngữ Tai – Kadai xưa quan niệm rằng trên trời có nhiều tầng tầng lớp lớp không khác gì tổ ong, mỗi tầng là một mường (xứ sở) hoặc một quốc gia. Người cai quản mỗi tầng ấy được người Lào gọi là Pha ya Thẻn (Ngọc Đế, vua trời). Việc đốt pháo thăng thiên nhằm thờ phụng Pha ya Thẻn để cho ngài hoan hỉ khiến cho thời tiết thuận hòa, dân chúng nhờ đó mà cày bừa, cấy hái theo từng mùa vụ.

Nhưng cũng có những nhóm người lại cho rằng việc đốt pháo thăng thiên là để cúng dường Phật. Hơn nữa, Tết pháo thăng thiên thường được tổ chức vào tháng 6 lịch Lào (tương ứng với tháng 4 âm lịch ở Việt Nam) và không thể thiếu nghi thức vào chùa tu tập và té nước cho các cao tăng bằng những làn nước tung lên không trung.

Vì vậy mới có giả thiết rằng việc vào chùa tu tập và té nước trong Tết pháo thăng thiên chính là căn cứ vào ngày đản sinh, ngày thành đạo, ngày nhập Niết Bàn của đức Phật là cùng một ngày. Cho nên việc làm pháo thăng thiên cũng là để đốt trong ngày Visak (Phật đản).

Trong Tết pháo thăng thiên, người ta không chỉ đốt pháo mà còn thắp nến, rước lửa, lâu đài sáp đi xung quanh chùa, xả-la (lán nghỉ). Những đợt pháo hoa rực rỡ sắc màu cứ bay lên không trung như mang theo bao ước nguyện của người Lào về một cuộc sống bình yên tươi đẹp như thế…

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.