Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Krông Jing giữ gìn văn hóa truyền thống

08:02, 06/06/2023

Xã Krông Jing (huyện M’Drắk) hiện có 2.217 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm gần 76% (phần lớn là dân tộc Êđê).

Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Chị H’Hương Hwing, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Jing cho biết, Hội LHPN xã đã thành lập và duy trì được một Câu lạc bộ “Gia đình an toàn – xanh - sạch - đẹp - bản sắc” điểm của huyện, thu hút các thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số làm gương trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn trang phục, tiếng nói và những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, hiện có 8/12 chi hội phụ nữ các buôn thành lập đội múa xoang, thường xuyên tham gia biểu diễn văn hóa dân tộc trong các ngày hội, lễ, Tết và các hội thi trong và ngoài huyện. 100% chi hội phụ nữ trên địa bàn xã đã thành lập các tổ đổi công, mang đậm nét đẹp văn hóa trong đời sống, lao động sản xuất của người Êđê, trong đó mỗi chi hội có từ 2 - 3 tổ, với từ 10 gia đình thành viên trở lên. Hằng năm, các chị em đã hỗ trợ giúp nhau trên 3.000 ngày công lao động, giúp giảm chi phí lao động sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình hội viên.

Hộ LHPN xã Krông Jing ra mắt Câu lạc bộ “Gia đình an toàn - xanh - sạch - đẹp - bản sắc” điểm của huyện.

Với phương châm “Mỗi hội viên, phụ nữ là nhân tố tích cực giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa của dân tộc”, Hội LHPN xã cũng chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân nữ trong truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động, phong trào, công tác hội, hoạt động giao lưu giữa các đơn vị.

Nhờ vậy, đến nay, Hội LHPN xã đã xây dựng được đội ngũ phụ nữ kế cận duy trì được một số ngành nghề truyền thống, với 50 chị biết dệt thổ cẩm, may trang phục người Êđê, 350 chị duy trì nghề nấu rượu cần từ các nguyên liệu truyền thống.

Như chị H’Ten Byă (ở buôn M’Trưng M’Um) đến nay đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề nấu rượu cần truyền thống của người Êđê. Không chỉ tiếp tục làm nghề, chị H’Ten còn sẵn sàng truyền dạy cách làm men, làm rượu cần, nấu các món ăn truyền thống cho lớp trẻ trong buôn với mong muốn kỹ thuật nấu rượu truyền thống vẫn được tiếp nối, không bị mai một.

Hay chị H’DJuôn Niê (ở buôn Hoang) vốn có đam mê múa xoang từ rất nhỏ. Để bảo tồn và phát huy những làn điệu múa xoang của người Êđê, chị H’DJuôn đã thành lập đội múa xoang trong buôn; kết hợp với Hội LHPN xã mở các lớp học múa xoang cho chị em yêu thích văn hóa dân tộc. Nhờ vậy, nhiều chị em đã học và múa thành thạo nhiều bài múa xoang.

Nữ nghệ nhân xã Krông Jing thi dệt thổ cẩm tại Ngày hội buôn vui chơi, buôn ca hát.

Hiện nay xã Krông Jing đang bảo tồn được 106 bộ cồng chiêng gồm 858 cái lớn nhỏ, 16 cái trống các loại, 2.420 ché rượu và hơn 100 bộ trang phục truyền thống; 12 buôn của xã đều duy trì các đội nghệ nhân từ 8 – 10 người đánh cồng chiêng, truyền dạy cách đánh cồng chiêng, thổi đing năm, đing puốt, đing klut, đing lia và các làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Kết quả này có sự góp phần không nhỏ của phụ nữ địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.