Multimedia Đọc Báo in

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương: “Cháy” hết mình với những sắc thái Tây Nguyên

07:59, 18/06/2023

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương sinh năm 1970, tại Thái Bình.

Năm 1977 anh theo bố mẹ vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Khi còn học lớp 10, Thương tình cờ gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Cảnh Dương, người đã sớm thành công ngay từ thời chụp ảnh đen trắng, và anh chính thức bước chân vào nghiệp nhiếp ảnh từ đó.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương.

Anh chọn chụp chân dung, chụp cận cảnh là lối đi riêng cho mình. Phần lớn tác phẩm thành công của anh là ảnh chân dung; chân dung người già, trẻ em, chân dung người dân tộc thiểu số, chân dung voi… Tất cả tạo nên một sắc thái riêng, sắc thái Tây Nguyên mộc mạc, giản dị, sống động, sáng tạo và nguồn năng lượng nhân ái, nhân văn tưởng như bất tận toát ra từ những bức ảnh ấy.

Năm 2003, Duy Thương được kết nạp vào Chi hội Nhiếp ảnh Đắk Lắk. Năm 2014, anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Trong gia tài ảnh nghệ thuật của mình, anh tâm đắc nhất là bộ ảnh "Cúng sức khỏe cho voi", gồm 5 bức ảnh chụp tại Buôn Đôn. Voi Tây Nguyên, theo nghệ sĩ Duy Thương là đề tài cực kỳ lớn nhưng những gì anh thể hiện được còn quá nhỏ. Bộ ảnh "Cúng sức khỏe cho voi" là một trong số ít ấy. Bộ ảnh này đã được giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; được đăng trong tập ảnh "30 năm đồng hành cùng đất nước" và anh xem đó vừa là động lực, vừa là hạnh phúc trong cuộc đời sáng tác của mình.

Với nghệ sĩ Duy Thương, gia tài ảnh nghệ thuật chân dung các nhân vật của anh nhiều vô kể, nhưng bộ ảnh chân dung có tên "Sắc màu Tây Nguyên", gồm 14 chân dung công nhân, người lao động, người già, em bé, mẹ con, người dân các dân tộc đang sinh sống ở Tây Nguyên có thể nói là sự gửi trọn tình yêu, lòng đam mê của anh. Bộ ảnh được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tài trợ sáng tác năm 2022. Trong đó có tác phẩm "Mầm", là bức ảnh người đàn bà M’nông cà răng, căng tai, bế em bé trên tay, với những nếp nhăn hằn sâu theo năm tháng của người già, tạo sự đối lập giữa hai thế hệ “tre già và măng mọc”, và góc nhìn tương phản tôn lên nét đẹp thánh thiện của trẻ thơ như những nụ mầm cần được nâng niu, bảo bọc.

Những bức ảnh đoạt giải của Vũ Duy Thương.

Nghệ sĩ Duy Thương chia sẻ: “Mỗi vùng đất, mỗi con người khi bước chân đến đều gợi lên trong tôi rất nhiều cảm xúc. Ví dụ khi đến biên giới, dưới cái nắng hơn 40 độ C, nhìn các chiến sĩ biên phòng tuần tra dưới khí hậu khắc nghiệt, trong đầu tôi gợi lên bao câu hỏi: Những chiến sĩ ngoài kia cũng là con người như mình nhưng tại sao có thể bất chấp thời tiết để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, còn mình đi chụp ảnh mà sợ nắng, ngại gió…? Thế là tôi lao vào lao động sáng tạo mà quên đi những yếu tố bất lợi của thời tiết”.

Hành trình lao động, sáng tạo miệt mài của anh đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là Huy chương Bạc Quốc tế [ISF Silver Medal]  với tác phẩm "Tình yêu của mẹ" (Mother's love) chụp tại buôn Kô Sier (TP. Buôn Ma Thuột). Bức ảnh lấy bối cảnh người mẹ trẻ đang đối thoại với con. Em bé nằm trong tay mẹ nhưng cái miệng của bé hóng hớt đáng yêu và người mẹ với đôi mắt nhìn con trẻ tràn đầy yêu thương. Qua bức ảnh có thể thấy hai mẹ con như đang đối thoại bằng mật ngôn tình yêu. Tác phẩm này còn được triển lãm Hiệp hội Nhiếp ảnh Quốc tế lần thứ 83 tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2022 và triển lãm quốc tế tại Đà Lạt. Hay như tác phẩm "Vất vả", chụp năm 2001 được triển lãm tại Triển lãm ảnh tại Đắk Lắk, với chân dung người phụ nữ mặc quần áo lao động đi hái cà phê, chị bị kiến cắn phải cởi khăn trùm đầu ra giũ. Bức ảnh ghi lại những giọt mồ hôi và ánh mắt nói lên sự vất vả của người nông dân trồng cà phê. Bức ảnh "Hướng thiện", sáng tác trong dịp đi thực tế sáng tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk năm 2021 được giải C của Bộ Công an, ghi lại khoảng khắc một cán bộ Công an đang dạy chữ cho các phạm nhân bên cửa sổ có ánh sáng hắt vào gợi cho như người xem suy nghĩ về hành trình cải tạo, để các phạm nhân sống hướng thiện; các cán bộ quản giáo không những dạy nghề mà còn dạy chữ, dạy cách sống để các phạm nhân trở lại cuộc sống đời thường...

      Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc