Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc các nghi lễ văn hóa truyền thống của người M’nông

14:22, 04/04/2023

Trong không khí náo nhiệt của Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk lần thứ 3 hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 vừa qua, chính quyền địa phương đã tổ chức phục dựng các nghi lễ văn hóa người M’nông đầy đặc sắc, ấn tượng dưới sự chứng kiến của hàng nghìn du khách và người dân.

Cúng sức khỏe cho voi

Huyện Lắk hiện có 14 con voi đang được chăm sóc với tình yêu thương của người M’nông. Trong sinh hoạt hằng ngày, voi là người bạn, người thân trong gia đình luôn giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Mặt khác, trong những ngày hội, voi không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn của cả cộng đồng, vì thế sức khỏe của voi rất quan trọng, là do Yàng (thần) ban cho. Bởi vậy, gắn liền với cuộc đời mỗi con voi là Lễ cúng sức khỏe.

Lễ cúng sức khỏe cho voi của người M’nông được phục dựng tại nhà sàn của ông Y Chal Je (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk).

Lễ cúng sức khỏe cho voi hay còn gọi là wăt săk ruch, được địa phương tổ chức tại nhà sàn ông Y Chal Je (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn). Nghi lễ được thực hiện bởi thầy cúng giỏi nhất tại buôn làng, với 8 chú voi và 16 nài voi. Lễ cúng diễn ra trang trọng, thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật ché rượu, xôi, tiết lợn… Thầy cúng sẽ khấn ba lần. Lần một, mong thần cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc cho buôn làng. Lần hai, cầu mong cho voi luôn ngoan ngoãn, biết hợp tác, giúp đỡ chủ nhà trong những công việc quan trọng. Lần ba, mong cho các nài voi có sức khỏe để chăm sóc voi và dặn dò họ bảo vệ đàn voi, xem voi như một thành viên trong gia đình.

Sau khi phục dựng xong nghi lễ, du khách và người dân địa phương được đến bến thuyền ngay bên hồ Lắk để xem bữa “tiệc buffet” cho voi. Tại đây những chú voi được mở “tiệc buffet” chiêu đãi nhiều món ăn yêu thích như: chuối, mía, dưa hấu, dứa... Những chú voi còn biểu diễn, cúi chào du khách như một lời cảm ơn họ đã đến xem nó trình diễn. Đây không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn tạo ra ngày hội đối với những chú voi được thuần dưỡng tại địa phương, hướng tới du lịch thân thiện với voi.

Lễ cúng bến nước

Một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào Tây Nguyên là Lễ cúng bến nước. Trước đây, người M’nông thường đi khắp nơi tìm mảnh đất an cư với yêu cầu đầu tiên là phải có nguồn nước. Bởi vậy, khi tìm được một nguồn nước trong lành thì cả buôn làng phải hết lòng gìn giữ. Dù hôm nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nước máy, nước sạch đã được dẫn về từng buôn, nhưng họ vẫn lấy nước từ bến nước để chế rượu cần và thờ cúng thần. Hằng năm, chủ bến nước làm lễ tạ ơn thần nước đã cho gia đình và người dân trong buôn làng có được nguồn nước sạch để phục vụ cho đời sống.

Phục dựng Lễ cúng bến nước tại bến nước Đắk Hoa (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk).

Trong không khí hân hoan của ngày hội, Lễ cúng bến nước (wăt pac dak) diễn ra tại bến nước Đắk Hoa (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi). Tại đây, 25 người là nghệ nhân đánh chiêng, múa xoang, thầy cúng, già làng và người phụ làm các lễ vật thực hiện lễ cúng. Thầy cúng sẽ khấn ba lần để mời gọi thần linh xuống cùng chung vui, ăn mừng và cầu mong tiếp tục phù hộ cho chủ bến nước và buôn làng sau này được tốt hơn. Tại lễ cúng, các nghệ nhân diễn tấu các bài chiêng và điệu múa xoang mừng hội. Kết thúc nghi lễ, du khách được đãi các món ăn được chế biến từ lễ vật trong lễ cúng (heo, gà…) và giao lưu văn nghệ, mời rượu với buôn làng. Đây cũng là một việc làm ý nghĩa để buôn làng cùng nhau chăm lo, làm vệ sinh bến nước và giữ nguồn nước trong sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.

Nghi lễ hạ thủy thuyền

Đối với người M’nông, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển đánh bắt thủy sản mà còn là tài sản khẳng định vị thế xã hội trong cộng đồng bon (buôn). Gia đình có điều kiện về nhân lực, của cải vật chất thì có từ một đến hai thuyền trở lên. Ngược lại với những gia đình khó khăn thì làm được một cái hoặc không có. Với những bon (buôn) sống gần sông suối, ao hồ, thuyền độc mộc là phương tiện lao động quan trọng tạo thu nhập và nguồn thực phẩm tươi sống hằng ngày… Bởi vậy, mỗi khi ra khơi, lễ cúng hạ thủy thuyền là rất cần thiết.

Tại Bến thuyền Biệt điện Bảo Đại, chính quyền đã phục dựng Lễ cúng hạ thủy thuyền theo truyền thống của người M’nông. Lễ cúng được thực hiện bởi thầy cúng cho 19 chiếc thuyền độc mộc. Các lễ vật được bày trên một cái mâm đặt phía trước đầu của các thuyền độc mộc, thầy cúng và phụ cúng đứng đối diện với các thuyền, 19 người chủ ngồi sẵn trên 19 chiếc thuyền độc mộc của mình xếp thành hàng ngang dưới mặt hồ, đối diện với thầy cúng.

Bắt đầu lễ cúng, đội cồng chiêng diễn tấu bài chiêng Gông gọi thần về chứng giám. Tiếp theo thầy cúng đọc lời khấn, mong thần linh phù hộ, che chở cho chủ thuyền may mắn, đánh bắt được nhiều tôm cá và cảm tạ thần rừng đã sản sinh, nuôi nấng ra cây gỗ to lớn, chắc khỏe để làm nên chiếc thuyền hiện tại.

Kết thúc bài cúng, đội chiêng tiếp tục tấu lên để cầu trời mưa thuận gió hòa, sức khỏe, ấm no cho gia chủ và buôn làng. Sau đó, thầy cúng sẽ quét tiết heo, rượu cần lên đầu thuyền để các thần chứng giám, nhận các lễ vật mà chủ lễ dâng. Đồng thời, cầu mong thần sẽ phù hộ cho chủ thuyền sức khỏe, may mắn, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Nghi lễ kết thúc, chủ thuyền sẽ đãi họ hàng và người thân đến ăn tiệc, mừng thành công, gia đình, buôn có thêm một sản phẩm mới.

Hiện nay, đời sống của người M’nông trên địa bàn huyện Lắk đang dần đổi thay, kéo theo đó văn hóa truyền thống dần mai một. Bởi vậy, sự “hồi sinh”, phục dựng lại các nghi lễ đã làm “sống dậy” những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần lưu giữ, bảo vệ để không bị thất truyền trong tương lai.

Khánh Huyền
 


Ý kiến bạn đọc