Multimedia Đọc Báo in

Bên dòng Krông Ana

09:30, 28/06/2022

Truyền thuyết của người Êđê kể rằng: Ngày xưa, có cặp tình nhân xứng đôi vừa lứa. Chàng trai dũng cảm, chân đạp đất, đầu đội trời, vươn vai một cái rừng phía tây ngả, vung tay một cái đồi phía đông nghiêng. Cô gái đẹp người đẹp nết, gương mặt rạng rỡ như màu hoa ê đắp nở bên bờ suối, giọng hát cất lên thì sông phải quên chảy, gió phải ngừng thổi.

Nơi cư ngụ của người Êđê Bih

Từ rất lâu đời, đồng bào hai dân tộc Êđê và M’nông đã chọn những vùng đất ven hai dòng sông tình nhân Krông Nô và Krông Ana làm nơi sinh sống. Tuy có chung nguồn gốc nhưng do địa bàn cư trú rộng lớn nên trong mỗi tộc người lại chia thành nhiều nhóm cư dân khác nhau, chẳng hạn đồng bào M’nông có các hệ nhánh như M’nông Rlăm, M’nông Gar, M’nông Prâng, M’nông - Lào... Sự cộng cư trên vùng đất cao nguyên phía nam này đồng thời cũng tạo nên sự giao thoa giữa hai dân tộc M’nông và Êđê. Chính điều này đã góp phần hình thành những hệ nhánh có đời sống sinh hoạt, tập tục truyền thống và văn hóa mang dấu ấn của cả hai dân tộc. Một trong số đó có thể nhận ra nhờ những nét đặc trưng khác biệt đó là nhánh Êđê Bih thuộc dân tộc Êđê.

Nằm trong lưu vực của dòng sông Krông Ana, Buôn Trấp là một địa danh cổ gắn liền với nơi cư trú chủ yếu của các buôn làng Êđê Bih. Trấp theo tiếng Êđê cổ nghĩa là vùng đất sình lầy. Buôn Trấp nghĩa là buôn làng ở vùng đầm lầy, dọc ven sông Krông Ana.

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học và văn hóa dân gian Lương Thanh Sơn thì người Êđê Bih có địa bàn cư trú rộng lớn, có nhiều nét văn hóa tương đồng nhưng đồng thời cũng khác biệt so với chính người Êđê trong cùng khu vực. Chẳng hạn, do địa bàn cư trú phân bố dọc sông Krông Ana nên các buôn làng Êđê Bih sớm biết trồng lúa nước. Bằng công cụ giản đơn như cày, cuốc, họ đã khai hoang và canh tác trên những cánh đồng rộng lớn, đủ cung cấp lương thực cả trong thời kỳ sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Hay như ngày xưa, người Êđê Bih đã biết giao lưu, giao thương với các vùng miền lân cận bằng đường thủy. Nghĩa là dựa vào con nước của sông Krông Ana, trên những chiếc thuyền độc mộc, họ tìm đến các buôn làng khác trao đổi và mua bán hàng hóa.

Sống trên vùng đất được bồi đắp bởi phù sa của dòng Krông Ana, người Êđê Bih phát triển rất sớm các ngành nghề truyền thống như đánh bắt cá, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm. Nghề đan dệt chiếu là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Êđê Bih mà không phải buôn làng Êđê nào cũng có. Nhờ vào những cánh đồng màu mỡ phù sa, mỗi gia đình luôn có những khoảnh đất riêng trồng lác, nguồn vật liệu chính dùng làm chiếu. Theo lời kể của già làng Ama Đoan ở Buôn Trấp thì trước kia nghề dệt chiếu rất phát triển, chiếu của người Êđê Bih không chỉ đủ dùng trong mỗi gia đình mà còn được mang bán, trao đổi với người dân quanh vùng.

Bên cạnh dệt chiếu thì còn có một nghề thủ công truyền thống khác rất nổi tiếng của người Êđê Bih đó là nghề gốm. Trước đây nghề gốm của người Êđê Bih cũng rất phát triển, các sản phẩm gốm từng là mặt hàng thương phẩm cung cấp cho nhiều buôn làng ở vùng đất phía nam cao nguyên. Nguyên liệu đất sét và cát mịn khai thác từ bãi bồi ven sông Krông Ana, một chiếc chày giã thô sơ, vài miếng cật tre, dăm viên cuội trắng..., chỉ chừng ấy cũng đủ cho các nghệ nhận làm ra các sản phẩm gốm gia dụng như chiêng ché, nồi chén, ấm bát…

Dàn chiêng nữ J’ho của người Êđê Bih ở Buôn Trấp. Ảnh: Hoàng Gia

Độc đáo dàn chiêng J’ho

Nói đến Buôn Trấp và nhánh tộc người Êđê Bih, không thể không nhắc đến một nét văn hóa vô cùng đặc sắc đó là dàn chiêng nữ. Đây là một trong số vài ba dàn chiêng nữ ở Tây Nguyên hiện còn duy trì và trình tấu được trong các dịp lễ hội. Bà Lương Thanh Sơn cho biết, riêng với đồng bào Êđê nói riêng thì dàn chiêng nữ Buôn Trấp là duy nhất với phong tục khác lạ. 

Theo lời người già, từ xưa đến nay, biên chế của đội chiêng nữ có đủ thành phần gồm 7 người. Người lớn tuổi nhất, có kinh nghiệm sẽ phụ trách chiếc trống H’gơ, để cầm chịch giai điệu và tiết tấu cho cả dàn chiêng J’hô. Dàn chiêng J’hô còn lại gồm sáu người phụ trách 6 chiếc chiêng được chia thành 3 cặp, mỗi cặp có âm sắc riêng. Cặp chiêng thứ nhất gọi là Na ching nghĩa là Chiêng Mẹ, cặp chiêng thứ hai gọi là Nô ching nghĩa là Chiêng Cha và cặp chiêng cuối cùng gọi là Đai ching nghĩa là Chiêng Con. Mỗi cặp gồm 2 chiêng là một hợp âm có tên gọi khác nhau. Cặp Chiêng Cha là hợp âm của 2 chiêng KaNô và Ama nghĩa là Đực và Cha, Chiêng Mẹ gồm 2 chiêng Ana và Amí nghĩa là Cái và Mẹ, tương tự với Chiêng Con gồm có chiêng Anác và M’dú. Bà Adoan H’Săm Ê Sao, đội trưởng đội chiêng nữ ở Buôn Trấp kể rằng, truyền thống đánh chiêng J’hô có từ lâu đời. Con gái ngay từ lúc nhỏ đã tập nghe chiêng, đánh chiêng. Lớn lên, thành thiếu nữ, họ thường xuyên gần gũi các bà, các mẹ để học cách biểu diễn các giai điệu.

Ngoài ra, gắn với dàn chiêng J’hô còn có các điệu múa dùng để phục vụ trong các dịp lễ hội. Bà H’Riu Hmok, một thành viên của dàn chiêng nữ tâm sự: “Chiêng J’hô của chúng tôi dùng để đánh cho các điệu múa của đồng bào dân tộc Êđê. Có nhiều điệu lắm. Điệu Xongaráp trong lễ Pơ Thi tức lễ cúng bỏ mả, điệu Pơk Mơk, điệu Hơr Hơr để chào đón khách, mừng được mùa, điệu WăcWây vui chơi trong lễ hội… Điệu nào cũng hay, cũng đẹp cả. Khi nào có dịp như lễ hội, khách đến thăm thì chị em trong đội chiêng chúng tôi lại tập trung để biểu diễn. Vui lắm. Người dân trong buôn ai cũng thích, khách cũng ưa. Chị em chúng tôi cũng đã đi nhiều nơi mà rất ít thấy đàn bà, con gái đánh chiêng như ở Buôn Trấp chúng tôi”.

Có thể nói, dàn chiêng nữ ở Buôn Trấp chính là nét độc đáo riêng có trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Buôn Trấp, gần và xa

Từ nền nông nghiệp gắn bó với cây lúa nước đến những ngành nghề truyền thống như đánh bắt cá, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, đan dệt chiếu, làm gốm và cùng với dàn chiêng J’hô do những nghệ nhân nữ biểu diễn đã tạo nên nét văn hóa của cộng đồng người Êđê Bih. Tuy vậy, một thời gian dài, vì nhiều lý do, người Êđê Bih thu hẹp dần địa bàn cư trú, dân số cũng giảm dần.

Theo một tài liệu cũ của người Pháp thì vào khoảng đầu những năm 1920, ở ven dòng sông Krông Ana có ít nhất 10 buôn làng của người Êđê Bih với số dân trên dưới 10.000 người. Sau ngày đất nước thống nhất chỉ còn lại Buôn Trấp với khoảng 100 nóc nhà. Từ đó đến nay, từ một Buôn Trấp xơ xác trong chiến tranh đã nhường chỗ cho buôn làng trù phú với những nếp nhà dài truyền thống. Đó là chưa kể đến việc hình thành một thị trấn Buôn Trấp không khác mấy so với các thị trấn ở miền xuôi.

Buôn Trấp ngày nay chưa hẳn giàu có nhưng đã trù phú hơn xưa nhiều. Người Êđê Bih ngoài việc canh tác lúa nước trên những cánh đồng rộng lớn cũng đã quen dần với việc trồng các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cùng với nhiều buôn làng khác ở Krông Ana, Buôn Trấp đã góp phần đem lại những đổi thay của huyện vùng cao mang tên dòng sông.

Bên dòng Krông Ana huyền thoại, Buôn Trấp đã và sẽ là địa chỉ tìm đến không chỉ với khách du lịch mà còn có các nhà nghiên cứu dân tộc học, văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu kho tàng âm nhạc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Buôn Trấp cũng như nhiều buôn làng khác, là những trang sách đầy ắp thông tin và biết bao câu chuyện thú vị về vùng đất phía nam cao nguyên. Trong bạt ngàn nắng gió, sẽ xốn xang lòng biết bao nhiêu nếu chúng ta bắt gặp những thiếu nữ Êđê Bih chân trần lội suối, mặt tươi như hoa ê đắp nở giữa rừng sâu, giọng hát eirey nhẹ như sương, vấn vít gió trời.

Sẽ chẳng quá lời khi nói rằng tiếng chiêng J’hô chứa đựng vẻ đẹp âm tính. Cùng hòa điệu với sự bốc lửa, hoang sơ đại ngàn của dàn chiêng Knah, tiếng chiêng J’hô sẽ là bè trầm, là lời thì thầm của đất, của dòng nước Krông Ana miên man chảy, không ngừng nghỉ…

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc