Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một gia đình đa dân tộc nơi vùng biên

19:02, 09/01/2022

Ở buôn Yang Làng, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) có ngôi nhà kiến trúc độc đáo “mái Thái phía trước, mái nhà dài Êđê phía sau”. Ngôi nhà ấy là nơi sinh sống của ba thế hệ một gia đình đặc biệt hòa trộn nhiều dòng máu: Thái, Lào, Êđê, Kinh.

Bà H’Tụm Niê, một trong những chủ nhân của ngôi nhà thường được bà con trong buôn gọi với tên Amí Tâm. Bà rất tự hào không chỉ vì có thể nói thành thạo được tiếng Êđê, M’nông, Thái, Lào và tiếng Kinh mà còn bởi truyền thống, gốc gác của gia đình mình. Amí Tâm kể rằng ông nội của bà là người Thái Lan tên là Nay Khít, lấy bà nội là người Viên Chăn, Lào. Ông Nay Khít có 13 người con, trong đó có người lấy chồng, lấy vợ người Kinh, người M’nông, người Lào, người Êđê. Thế là con cháu của ông bà mang ba dòng máu Việt - Lào - Thái, làm việc và sống hòa thuận trên mảnh đất Buôn Đôn.

H’Tụm Niê cũng giống mẹ mình lấy chồng người Êđê là Y Mức Byă. Vợ chồng bà sinh được 7 người con đặt tên theo phong cách riêng, hòa trộn theo truyền thống gia đình. Trong đó, người con gái đầu tên là H’Tâm Niê, thế nên theo phong tục dân làng nơi đây gọi bà H’Tụm là Amí Tâm. Các người con khác được đặt tên theo tiếng Thái như: Đại Chôm nghĩa là có của, Ộp Lôm có nghĩa là động viên, Ma Ny có nghĩa là tiền, Hà My là giàu có. Người con trai út thì được đặt tên theo họ mẹ là Y Tí Niê.

Ngôi nhà của gia đình Amí Tâm.

Amí Tâm hiểu rất rõ phong tục của dân tộc Lào, Thái, Êđê. Amí Tâm thích nhất là từ nhỏ bà cùng các con của mình đã được bà ngoại truyền dạy múa Lăm Vông, nên trong lễ hội Bunpimay, Tết cổ truyền của người Lào, con cháu bà đều múa rất đẹp. Nhất là chị Hà My hiện là hướng dẫn viên Công ty Du lịch Thanh Hà Bản Đôn, là người điệu nghệ khi múa Lăm Vông và múa Xoang. Mỗi lần giao lưu văn hóa các dân tộc trên địa bàn, chị Hà My luôn là người đẹp múa chính của lễ hội, bởi sự mềm dẻo của đôi bàn tay, sự uyển chuyển mềm mại của cơ thể. Chị Hà My bảo rằng điệu múa “Hoa đẹp Chăm pa” truyền thống đã thấm trong tâm hồn mỗi thành viên gia đình chị.

Gia đình bà Amí Tâm vẫn luôn hướng về cội nguồn xứ sở Vạn Tượng với ý thức gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong những sinh hoạt thường nhật, từ món ăn đến đồ vật trong gia đình, trang phục và tiếng nói. Những gì là văn hóa truyền thống của người Thái, người Lào mà cha ông đã dạy, Amí Tâm đều truyền lại cho con cháu hôm nay. Bà vui lắm khi bốn cô con gái của mình đều biết nói tiếng Lào và một chút tiếng Thái, nấu được nhiều món ăn của người Lào, nhất là món “gỏi hoa chuối rừng” và món canh cà đắng truyền thống của người Êđê.

Amí Tâm luôn cất giữ đồ dùng bằng bạc của người Lào và thích trang phục của người Thái.

Amí Tâm còn rất tự hào bởi người chồng Êđê “da nâu mắt sáng” nổi tiếng một thời với nghề thuần dưỡng voi rừng. Cách đây không lâu ở vùng biên giới Tây Nam này có hai voi con lạc mẹ, một con bị rớt xuống giếng được cán bộ kiểm lâm cứu hộ mang từ rừng về rồi giao cho ông Y Mức Byă chăm sóc, thuần dưỡng, nay hai con voi này đang được chăn thả tự nhiên trong Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng do chính ông Y Mức chăm sóc. Hằng ngày khách du lịch đến thăm Vườn đều được nghe ông Y Mức kể chuyện về voi, trong đó đáng kể nhất là voi Bun Khăm nổi tiếng hung dữ và khó tính chỉ thích ăn mía với chuối. Đây là con voi mà ông Y Mức Byă đã rất dày công thuần dưỡng.

Y Tí Niê, người con trai út của bà Amí Tâm đang công tác tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Thế nên, trong căn nhà kiến trúc độc đáo nhất vùng này luôn có những câu chuyện về chăm sóc, bảo vệ, yêu thương loài voi, nhất là voi nhà đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Amí Tâm thích nhất là được đựng cơm nếp trong đồ vật bằng bạc của người Lào. Mùa đông thì nhất định phải nấu các món ăn thật cay như thời ông nội hay ăn. Hằng ngày Amí Tâm luôn mặc áo váy theo phong cách người Thái và rất mê tổ chức tiệc cưới cho con cháu theo phong cách người Kinh. Ngoài làm rẫy nương, bà dành nhiều thời gian dạy con cháu cách thưởng thức và nấu món ăn của người Lào, người Thái, người Êđê, M’nông. Khi dựng lên ngôi nhà độc đáo của gia đình, ông nội bà đã làm mái Thái để con cháu biết đến tổ tiên; rồi cha bà làm thêm mái nhà dài Tây Nguyên để hòa trộn vào nhau. Kiến trúc này khiến cho ngôi nhà luôn mát mẻ về mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Gần 20 người con, cháu, chắt cùng chung sống dưới mái nhà ấy…

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc