Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn nghề đan truyền thống ở Yang Mao

09:05, 20/12/2021

Trong bối cảnh các đồ dùng được sản xuất công nghiệp ngày càng phổ biến, lấn át những vật dụng thủ công như gùi và các đồ dùng đan bằng tre, nứa, lồ ô… thì ở các buôn làng vùng sâu của xã Yang Mao (huyện Krông Bông) vẫn còn hàng chục nghệ nhân duy trì nghề đan truyền thống của ông bà.

Nghệ nhân Ama Đuê ở buôn Mnăng Tar nay đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn tiếp tục đan. Dù sức yếu, không còn đan được nhiều vật dụng để bán như trước nữa song những đồ dùng trong nhà như: gùi, rổ, nia, thúng thì do một tay ông đan.

Còn Ama Klih (cũng ở buôn Mnăng Tar) gần 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh thì đan “năng suất” hơn. Mỗi tháng Ama Klih làm ra hàng chục sản phẩm như gùi, mẹt, rổ, rá, thúng, mủng để dùng trong gia đình và bán cho bà con trong buôn.

Mỗi chiếc gùi ông đan từ 3 - 5 ngày, giá bán từ 150.000 - 500.000 đồng tùy từng loại; mỗi chiếc mẹt, chiếc nia, chiếc rổ có giá từ 100.000 - 250.000 đồng. Ama Klih học đan từ nhỏ và duy trì đến giờ; cứ vài ngày ông lại vào rừng cách nhà hơn 2 km để lấy tre, lồ ô về đan.

Ama Klih chia sẻ: “Trước đây tre, lồ ô, mây nhiều lắm, lại ngay gần nhà. Giờ vật liệu ngày càng hiếm, phải đi xa mới lấy được. Vả lại, nhu cầu sử dụng của người dân trong buôn cũng ít hơn trước nên mỗi tháng chỉ duy trì đan dăm vài thứ thôi. Vậy nhưng mình vẫn giữ nghề bởi là nghề truyền thống của cha ông mình mà”.

Già làng Ama Sai (buôn Kiều) đan gùi.

Buôn Kiều là buôn có nhiều người còn giữ được nghề đan truyền thống ở xã Yang Mao. Hiện trong buôn có trên chục người vẫn làm nghề đan. Ama Poh năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng mắt còn sáng, vẫn làm nghề dù giờ tuổi cao, sức yếu, không tự mình vào rừng lấy mây, chặt lồ ô nữa mà phải nhờ con cháu. Hằng ngày ông vẫn miệt mài vuốt nan, làm vành để đan gùi, mẹt, rổ, rá dùng trong gia đình.

Hay già làng Ama Sai biết nghề đan khi còn thanh niên, những chiếc gùi ông đan có tiếng là chắc, đẹp được nhiều người ưa thích. Ama Sai là già làng, là thầy cúng của buôn nên ông luôn động viên, khuyến khích con cháu trong buôn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông, đặc biệt là nghề đan lát. Ama Sai còn biết chế tác và sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc và gia đình ông hiện nay vẫn còn giữ được những bộ chiêng, ché cổ của người M’nông. Điều đáng mừng là ngoài những nghệ nhân cao tuổi thì trong buôn Kiều nay đã có những người trẻ tiếp cận, say mê và tiếp nối nghề đan truyền thống.

Ama Cao (buôn Tul) không chỉ biết nghề đan mà còn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống.

Ở buôn Tul (xã Yang Mao) còn có nghệ nhân Ama Cao không chỉ biết đan rất nhiều loại vật dụng như gùi, mẹt, rổ, rá, thúng, mủng mà ông còn biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào M'nông.

Gần sang tuổi thất thập nhưng Ama Cao và Ama Giàu (cũng ở buôn Tul) vẫn thường cùng nhau lên rừng chặt lồ ô, lấy mây về đan những vật dụng dùng trong gia đình và bán cho những gia đình trong buôn khi họ có nhu cầu. Lúc nào trong nhà ông cũng có hàng chục các gùi, thúng, mủng, rổ, rá và các loại vật dụng để bán cho bà con trong buôn. Lo lắng nghề đan truyền thống sẽ mất đi, không còn ai theo nghề là nỗi trăn trở của Ama Cao những năm gần đây.

Ông bộc bạch: “Thu nhập từ việc đan lát không cao, nhu cầu của bà con bây giờ cũng không nhiều nên phần lớn lớp trẻ không còn theo nghề đan lát truyền thống. Hiện tại buôn Tul chỉ còn 4 người duy trì được nghề đan truyền thống của người M’nông song đều đã lớn tuổi”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.