Multimedia Đọc Báo in

Lang thang trên miền Chu Ru

16:33, 26/10/2021

Đứng giữa plei (làng) Hơma Glây (tiếng Chu Ru nghĩa là “ruộng trong rừng”) ở vùng Tu Tra, Đơn Dương (Lâm Đồng), tôi ngắm mãi ngọn núi hình yên ngựa trên dãy Pơtơu Gớp. Dãy núi ấy tiếp mạch từ những bổng trầm địa hình cao nguyên.

Người Chu Ru coi ngọn núi này là nơi trú ngụ của các vị thần. Ngắm núi và những làn khói đốt đồng thơm mùi rơm rạ khi mùa gặt đã vãn, trò chuyện với những con người cần lao miền thượng đang trải cuộc mưu sinh trong buổi chiều tà, lòng người tìm về xứ sở cũng thấy nao nao.

Cuộc phiêu lãng giữa những buôn làng, ruộng rẫy trở nên thú vị hơn khi thả hồn theo dòng cảm thức của một tộc người. Người Chu Ru quần cư giữa triền thấp nhất của miền cao Tây Nguyên, và họ có một số phận lịch sử đặc biệt. Tộc người ấy, cũng giống những ngọn núi nối dài về biển, hình như có cội rễ sâu xa đâu đó ở dưới đồng bằng.

Vũ điệu Tamya Arya huyền thoại.

Người già Jơlơng Ya Loan được đồng bào coi là nhà thông thái. Quả vậy, ông và cả bà vợ Ma Wy rất rành rẽ những thăng trầm dâu bể tộc người. Ya Loan lý giải tôi nghe về nguồn gốc của tổ tiên ông: “Trong ngôn ngữ xưa, từ “chu ru” có nghĩa là “chui rúc”, “lẩn trốn”. Tổ tiên chúng tôi có lẽ là người miền biển. Vào thời nào đó thuộc đế chế Chăm Pa, họ đã phải dứt áo khỏi bản quán, cố hương…”.

Từ gợi mở của ông Ya Loan, tôi giả thiết có một biến động nào đó trong lịch sử mà ông bà của người Chu Ru đã phải rời bỏ vương quốc để tìm đến nương náu trên miền núi cao này.

Có lẽ bởi gốc gác đó mà người Chu Ru bây giờ vẫn nói được tiếng Chăm, giỏi dẫn thủy nhập điền làm ruộng nước, giỏi đánh cá, biết tìm đất sét tốt nặn và nung gốm, biết đúc nhẫn bạc, biết mang hàng hóa sản vật đi buôn bán khắp nơi.

Những nghề đó, không phải là thế mạnh của nhiều tộc người bản địa Tây Nguyên. Có một điều thú vị, ông Ya Loan và ông Ya Ga đều kể về những cuộc “Nau drà” (đi chơi chợ) của người Chu Ru.

Những chuyến đi dài hằng tháng trời, lội suối băng rừng, vừa đi vừa chơi, vừa tìm cái ăn vừa tìm cái bán. Hướng họ tìm về là Phan Rang, Phan Thiết bên bờ đại dương.

Phải chăng, từ những chuyến về đồng bằng như thế, người Chu Ru thỏa nỗi nhớ biển từ trong tâm thức, cái nhớ cội nguồn mà ngày xưa tổ tiên họ rời bỏ để làm cánh chim thiên di mang theo số phận tộc người lên rừng núi xa xôi?

* * *

So với người Mạ, K’ho, M’nông, Êđê… tụ cư lâu đời, người Chu Ru là thành viên mới của Tây Nguyên. Thời điểm gọi là “mới” ấy, theo giả thiết, cũng cách đây cỡ bốn, năm thế kỷ.

Tiếp lời ông Ya Loan, già Ya Ga cũng nói: “Các cụ xưa kể rằng, tổ tiên chúng tôi thuộc một nhóm con cháu người Chăm, sống ở vùng duyên hải Trung Bộ…”. Tôi lật tư liệu, nhân chủng học chứng minh, người Chu Ru và người Chăm đều thuộc chủng tộc Austronesia, cùng chung ngôn ngữ Malayo Polynesia thuộc ngữ hệ Nam Đảo.

Trang phục, nhạc cụ, ca dao, tục ngữ, truyện cổ, trường ca, dân ca, dân vũ Chăm và Chu Ru thể hiện rõ mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa hai tộc người, một ở miệt biển và một sống trên rừng núi.

Truyền thuyết xứ này cũng kể, một thời binh lửa can qua, các vị vua Chăm và gia tộc từng bị truy đuổi. Trên bước đường lưu lạc, họ đã chọn miền đất của người Chu Ru để gửi thân nương náu.

Phải chăng, bởi tình thân cội rễ nên có sự tin trao? Chuyện xưa đã xa, chỉ biết rằng, huyền thoại về những kho báu vua Chăm ở miền Đơn Dương, Đức Trọng vẫn còn truyền tụng. Những hoàng bào, ấn tín, kiếm lệnh tương truyền là của các vua Chăm từng được người dân Chu Ru lưu giữ trong các ngôi đền rải rác giữa rừng Tà Hine, Tà Năng, Pró, Tu Tra. Kho tiền cổ ở vùng Păng Tiêng, Lạc Dương cũng đã được khai quật…

Ông Ya Loan - nhà thông thái Chu Ru.

Bà Ma Wy xúc động cất lên lời hát bằng tiếng Chu Ru, một điệu hát kể nhắc chuyện xa xưa tộc người phảng phất nỗi buồn. Tôi lặng người cảm nhận và nghe giai điệu thật quen, hồ như có nét tương đồng một bài dân ca Chăm mà nhạc sĩ Amư Nhân từng hát tôi nghe trong một lần ghé qua Ninh Thuận. Đó chỉ là sự mẫn cảm thoáng qua.

Còn giờ đây, vẫn ngước nhìn lên ngọn Pơtơu Gớp, tôi liên tưởng về một thuở xa xưa. Thuở ấy, giã biệt cố hương, những đoàn người rã rời, xơ xác dắt díu nhau vượt suối sâu, thác dựng tìm đất mới nương thân.

Đến hạ nguồn dòng sông Đa Nhim, một bình nguyên giữa miền núi cao, họ như gặp lại hình ảnh quê nhà nơi xứ rừng lạ lẫm. Đoàn người hạ trại. Cuộc dừng chân lịch sử đã trải mấy trăm năm. Họ tự tách mình ra khỏi đồng bằng và biển cả, tự đặt tên mới cho tộc người bị vương quốc ruồng bỏ và an cư cho đến tận bây giờ. Họ bầu Pô plei (trưởng làng), chọn Gru (thầy cúng), Pô ea (người phụ trách nguồn nước) và Mọ boại (bà mụ)…

Đó là “hội đồng tự quản” đầu tiên của plei trong thiết chế xã hội cổ truyền. Hậu duệ của đoàn di dân từ cơn biến loạn nay đã có hơn hai trăm nghìn người, hơn chín phần mười vẫn sống bên những sông suối Đạ Nhim, Đạ Yòng vùng Đơn Dương, Đức Trọng như một sự tri ân đất lành mà thuở xưa tổ tiên đã chọn…                   

Tôi hỏi chuyện về căn tính tộc người, gặp nhiều nụ cười hơn sự lý giải. Người Chu Ru vốn thế. Họ lịch lãm, bặt thiệp, kiệm lời. Họ giấu những tinh hoa dưới vẻ khiêm nhường. Phải chăng, tâm thức di dân từ thưở ngàn xưa đã ngấm trong dòng máu hậu duệ. “Người đến sau” ấy luôn biết cách nhẫn nhịn, hòa khí, tìm kiếm sự an lành.

Ông Naria Ya Duck, một người con của tộc Chu Ru từng nói với tôi rằng: “Một người Chu Ru giỏi giang thường ít bộc lộ ra ngoài. Cái tốt, cái hay của họ thể hiện đúng nơi, đúng lúc”.

Tôi cảm nhận điều ấy từ hình ảnh nghệ nhân Ya Tuất tỉ mẩn đúc những chiếc nhẫn bạc đẹp đến mê hồn; từ bà Narakia miết bàn tay tài hoa lên những chiếc bình gốm; bà Ma Bio sửa từng động tác múa cho các cháu nhỏ. Họ làm nhiều hơn nói. Người Chu Ru chuyên cần, từ xưa đã chăm lo sự học. Nhiều gia đình, dòng họ trong cộng đồng thành đạt.

Ông Tou Prong Hiu quê ở plei La Bouye là một trong hai bác sĩ đầu tiên của cả vùng Tây Nguyên (cùng ông Y Ngông Niê K’đăm, người Êđê); Naria Ya Duck quê ở Ka Đô xuất thân là kỹ sư canh nông; ông Touneh Hang Đăng, ông Ya Hấu ở Tu Tra từng có công giúp những chiến sĩ cách mạng và dân chúng nhiều vùng đến nơi này trong thời ly loạn. Mới đây thôi, ca sĩ Ya Suy là “thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012” và cô bé Nai Hiên thì trở thành thủ khoa Đại học Đà Lạt…

* * *

Tác giả và những người bạn Chu Ru giữa cánh đồng Đơn Dương

Tạm biệt plei Chu Ru, tôi nhận lời Ya Loan sẽ quay trở lại cùng dự hội buôn làng. Tôi mong nhanh đến ngày đó, sẽ về với buôn làng hòa trong không khí thiêng liêng của lễ cúng tổ tiên Pơkhimocay, được đắm mình trong thanh âm của trống sơgơl, sáo tenia, kèn kwào và chung vũ điệu tămya với những người anh em Chu Ru.

Mùa nông nhàn, lại ước có dịp được cùng già trẻ, gái trai lên rừng sống đời hoang dã; cùng bắt cá, đào củ, hái rau, săn thú và tận hưởng tự do giữa sơn nguyên mênh mang.

Mùa này, người con gái Chu Ru vào tuổi tròn trăng cũng tìm kiếm chàng trai ưng bụng để chờ đêm tối đi bắt làm chồng. Rượu cần lại mở, âm nhạc miên man, vòng vũ điệu cộng đồng lại rạo rực đắm say âm hưởng đại ngàn bên bếp lửa rừng. Và cứ thế, dòng mẫu hệ trên miền đất bazan vẫn tiếp nối, quay tròn nhịp điệu phồn sinh theo ngày tháng…

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.