Multimedia Đọc Báo in

Về hai chữ "danh dự"

08:53, 25/07/2024

Những ngày qua, rất nhiều người đã chia sẻ phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hai chữ "danh dự", như một lời nhắc nhở đáng ghi nhớ trong lựa chọn hành xử của mỗi con người. Gốc rễ giá trị con người là đạo đức, một lần nữa lại được đặt ra với cuộc sống hôm nay, trong những ngày cuối cùng tiễn biệt người lãnh đạo đất nước.

Đó là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vào ngày 15/9/2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Cuốn sách Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất tổng hợp những bài phát biểu chỉ đạo, bài viết và hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng CAND.
Cuốn sách Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất tổng hợp những bài phát biểu chỉ đạo, bài viết và hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng CAND.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến khái niệm danh dự. Trước và sau đó, nhiều lần Tổng Bí thư đã đề cập đến vấn đề này, kiên định nhắc nhở mọi người phải chú ý: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng”. Có thể nói, phía trong tấm lòng người cộng sản kiên trung suốt đời phấn đấu, hành động vì dân, vì nước, hai chữ “danh dự” luôn được đặt trang trọng, tỏa sáng, vừa bao hàm quan niệm truyền thống đạo đức phương Đông, vừa kết nối những yêu cầu trách nhiệm, nghĩa vụ, nhận thức của con người cách mạng hiện đại và tinh thần hợp tác quốc tế.

Trong tiếng Việt, “danh dự” là một từ Hán Việt có nghĩa là lời nói, nhận xét của người khác về bản thân mình, khi người ta nhắc đến tên mình. Nó gắn liền sự đánh giá nhìn nhận về một cá nhân cụ thể, vào lúc được nhắc đến, nhưng là đúc kết suốt quá trình trước đó, ghi nhận những giá trị mà con người đó biểu hiện, đạt được trong cái nhìn của người khác.

Bởi ý nghĩa như vậy nên người xưa hết sức chú trọng bảo vệ lấy danh dự của mình. Trước khi làm bất cứ việc gì, nói điều gì, người xưa cũng nghĩ đến những tác động mà mình gây ra cho người khác, sẽ là tích cực hay tiêu cực và hậu quả tiếp sau là hình ảnh, danh tiếng của mình sẽ ra sao với người đó. Mọi hành vi xấu xa, gây hại cho người khác đều tất yếu ảnh hưởng ngược lại với mình, làm nên giá trị danh dự của mình. Dù có phải chết đi, con người cũng phải bảo toàn, giữ gìn lấy danh dự của mình. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng” là quan niệm bao đời của cha ông ta, và đó chính là một cách định nghĩa vị trí danh dự trong cuộc sống.

Mà điều này, không chỉ thể hiện với con người Việt Nam hay ở xã hội phương Đông, mà bất kỳ dân tộc nào, cá nhân nào cũng tuân thủ. Bởi tôn trọng và bảo vệ danh dự của chính mình, bao lớp người đã anh dũng chiến đấu, dám hy sinh để bảo vệ người khác, bảo vệ dân tộc, bảo vệ quê nhà. Họ xác định tên gọi của họ phải gắn liền với mảnh đất quê hương, với những người xung quanh, với tổ tiên có trước và hậu thế về sau. Nếu không coi trọng danh dự, con người sẽ trở nên hèn nhát và ích kỷ, chỉ có thể tự lo tự sống cho mình, bảo vệ mạng sống của mình và bất chấp tất cả. Không ít kẻ tự xưng nhận thức giá trị bằng cách chỉ lo cho bản thân, chối bỏ mọi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm con người, thực chất là từ bỏ danh dự của mình, xem nhẹ danh dự và đi ngược đạo lý truyền thống.

Trong những ngày này, khi câu chuyện “đốt lò” một lần nữa truyền cảm hứng hành động và nhận thức cho mỗi người, hai chữ “danh dự” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng và nhắc nhở, lại được đặt ra trước mắt mỗi người. Cần làm gì, cần hành động và suy nghĩ ra sao, để xứng đáng với những trách nhiệm và bổn phận mỗi người được giao, dám nhận, để bảo vệ mọi người, bảo vệ danh dự chính mình, qua đó tôn trọng và hợp tác mọi người, thật sự nên khởi xuất từ xác định giá trị danh dự trong mỗi chúng ta ra sao. Để sự nghiệp cách mạng tiếp tục phát triển, để mỗi người đảm nhận xứng đáng và tốt hơn vị trí, trách nhiệm của mình, hai chữ “danh dự” thật sự đáng suy ngẫm đến, và đáng phải đặt ra, tiếp liền với hình ảnh một con người cách mạng vừa nằm xuống.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc