Multimedia Đọc Báo in

Điểm đến của Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup

07:33, 21/04/2024

Đắk Lắk từng ba năm liên tiếp (2009 - 2011) là điểm đến của Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup.

Nhà thi đấu thể dục thể thao Đắk Lắk bùng nổ trước những trận so tài hấp dẫn giữa các đội bóng trong nước với các đội bóng nước ngoài. Cùng điểm lại những lần VTV Cup đến với Đắk Lắk, trước khi giải đấu chính thức trở lại lần thứ tư sắp đến.

Năm 2009, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup lần đầu tiên được Ban tổ chức chọn TP. Buôn Ma Thuột là điểm đăng cai tổ chức. Giải đấu diễn ra từ ngày 15 - 22/8 có 6 đội bóng tham gia, gồm 4 đội nước ngoài là Quảng Ðông (Trung Quốc), Phu-ket (Thái Lan), Technocom (Ukraine), tuyển Australia và 2 đội trong nước là đương kim vô địch quốc gia VTV Bình Ðiền Long An và tuyển Việt Nam.

Giải năm đó, đội tuyển Việt Nam đón chào sự trở lại của phụ công Phạm Kim Huệ (Bộ Tư lệnh Thông tin) sau hai năm vắng mặt. Bên cạnh đó còn có những gương mặt đáng chú ý là chuyền hai Ðặng Thị Hồng (Vietsovpetro), Hà Thị Hoa (Ngân hàng Công Thương) và các chủ công Ðinh Thị Diệu Châu, Nguyễn Thị Ngọc Hoa của VTV Bình Ðiền Long An. Những huyền thoại của bóng chuyền nữ Việt Nam năm ấy đã toàn thắng 5 trận tại vòng loại, đánh bại Phu-ket (Thái Lan) để giành quyền vào trận đấu cuối cùng tái ngộ Technocom. Trong trận đấu quyết định đội tuyển Việt Nam đã vượt qua đại diện đến từ Ukraine 3 séc trắng để đăng quang ngôi hậu.

Pha chắn bóng thành công của các cô gái Việt Nam trong trận chung kết gặp đội Technocom (Ukraine) tại VTV Cup 2009. Ảnh: VTV

Năm 2010, Ban tổ chức giải tiếp tục chọn Buôn Ma Thuột là địa điểm tổ chức với sự góp mặt của nhà đương kim vô địch tuyển Việt Nam cùng VTV Bình Điền Long An, tuyển trẻ Malaysia, Vingroup (Ukraine), trẻ Thái Lan và đội xếp thứ tư giải vô địch Thái Lan là Suansunanta. Giải khởi tranh từ ngày 25 - 31/7.

Tuyển Việt Nam tham gia giải đấu năm 2010 vẫn còn trong đội hình những nhân tố nổi bật như Kim Huệ, Ngọc Hoa, Bùi Thị Huệ; đồng thời trình làng những những gương mặt trẻ đầy triển vọng như Trà Giang, Đỗ Thị Minh. Sự kết hợp giữa các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm với sức trẻ của phụ công Trà Giang, chủ công Đỗ Thị Minh đã đưa tuyển Việt Nam vào đến trận chung kết đối đầu với Vingroup. Trận đấu tranh ngôi hậu diễn ra kịch tính, kéo dài đến 3 tiếng, trải qua 5 séc đấu với chiến thắng chung cuộc 3 – 2 thuộc về đội tuyển Việt Nam.

Đắk Lắk tiếp tục lập kỷ lục, là địa phương lần thứ ba liên tiếp giành quyền đăng cai Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2011, diễn ra từ ngày 9 - 16/7/2011. Giải ghi nhận sự phát triển về quy mô, khi có 9 đội bóng, chia làm hai bảng tham dự. Đó là các đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, CHDCND Triều Tiên, Kazakhstan, Úc (bảng A), CLB Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhật Bản, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan, VTV Bình Điền Long An (bảng B). Ở giải đấu này, tuyển Việt Nam đã nhận thất bại trước CHDCND Triều Tiên ở vòng bảng, rơi xuống vị trí thứ Nhì bảng để gặp Bắc Kinh ở bán kết và tiếp tục thua đội Bắc Kinh.

Với chủ nhà Đắk Lắk, việc ba lần đăng cai giải đấu hấp dẫn chính là động lực để địa phương đầu tư mạnh cho bộ môn thể thao này. Sau một thời gian đầu tư lực lượng, đến năm 2017, giấc mơ của người hâm mộ về việc đội tuyển bóng chuyền Đắk Lắk góp mặt tranh tài tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia hấp dẫn nhất cả nước đã trở thành hiện thực khi Đắk Lắk chính thức điền tên mình vào danh sách các đội bóng tranh tài tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc