Multimedia Đọc Báo in

Thể thao thành tích cao hướng đến đấu trường quốc tế

08:26, 28/12/2023

Trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã đề ra những mục tiêu cụ thể, không chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á mà quy mô, chất lượng hơn nữa là hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic.

Có một thực tế là lâu nay dù thể thao thành tích cao Việt Nam luôn khẳng định vị thế số một ở khu vực Đông Nam Á, song khi bước ra sân chơi có tính cạnh tranh hơn rất nhiều là Á vận hội hoặc Thế vận hội thì lại kém xa so với các nước trong khu vực. Minh chứng là tại SEA Games gần đây nhất, thể thao Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với tổng cộng 355 huy chương các loại, hơn đội xếp thứ nhì đến 43 huy chương. Tuy vậy, khi ra đấu trường châu lục, tại ASIAD 19, Việt Nam chỉ đoạt 3 Huy chương Vàng (HCV), 5 Huy chương Bạc (HCB) và 19 Huy chương Đồng (HCĐ), xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.

Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân của nghịch lý trên, đó là: đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm; lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao mỏng, kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên còn dàn trải, chưa chú trọng đúng mức công tác tập huấn, cọ xát nâng cao trình độ chuyên môn của vận động viên… Từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, quyết tâm đưa thể thao Việt Nam ra đấu trường quốc tế với những mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng.

Theo đó, ở đấu trường ASIAD lần thứ 20 năm 2026 tại Aichi – Nagoya (Nhật Bản), Việt Nam phấn đấu giành từ 6 - 8 HCV; đến ASIAD lần thứ 21 năm 2030 giành từ 8 - 10 HCV. Riêng tại Olympic Los Angeles 2028, thể thao Việt Nam phấn đấu có trên 20 vận động viên tranh tài.

Nhà vô địch châu Á năm 2022, võ sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm, niềm kỳ vọng của thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục ASIAD.

Tất nhiên khi đề ra những mục tiêu này, những nhà hoạch định chiến lược đã tham vấn ý kiến chuyên gia đầu ngành, xem xét, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện nguồn lực mà chúng ta đang có để đưa ra giải pháp thực hiện phù hợp. Ngành thể dục thể thao đã mạnh dạn thay đổi tư duy, không đặt nặng thành tích khu vực, loay hoay đầu tư dàn trải cho “ao làng”, đấu trường Đông Nam Á nữa, thay vào đó là đột phá, tập trung vào những môn mũi nhọn, theo hướng phân hạng nhóm: các môn đầu tư, chuẩn bị cho Olympic nằm trong nhóm 1, gồm bắn súng, bắn cung, cử tạ (hạng cân nhỏ), bóng đá, điền kinh (một số nội dung nữ), bơi (một số nội dung nữ), boxing (nam, hạng cân nhỏ); nhóm 2 gồm các môn đầu tư, chuẩn bị cho ASIAD: judo, karatedo, taekwondo, thể dục dụng cụ, vật, kiếm, rowing, wushu, cầu lông, kurash. Trên cơ sở đó, tập trung đầu tư trọng điểm cho khoảng 30 - 50 vận động viên có khả năng tranh chấp HCV ASIAD và huy chương Olympic, tăng cường tập huấn nước ngoài, thi đấu cọ xát với các vận động viên đỉnh cao; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tập luyện; bố trí huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn; áp dụng chế độ đặc biệt về dinh dưỡng, chăm sóc y tế, đãi ngộ...

Hội thảo về định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 vừa được ngành thể dục thể thao tổ chức đã tranh thủ sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, đa số các ý kiến đều nhất trí với những giải pháp mà chiến lược đã xác định. Điều quan trọng là phải khẩn trương bắt tay ngay vào công việc bởi thực tế quỹ thời gian không còn nhiều so với quá trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của một vận động viên đã qua tuyển chọn để họ đủ đẳng cấp, tự tin vươn ra thử sức mình ở đấu trường châu lục, thế giới và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc