Multimedia Đọc Báo in

Chọn vô địch hay chọn khán giả?

08:43, 13/08/2022

Dĩ nhiên với bóng đá, bất cứ câu lạc bộ (CLB) nào cũng muốn chọn cả hai. Nhưng, nghịch lý với bóng đá Việt Nam (BĐVN) khi đội vô địch chưa hẳn đã có nhiều khán giả đồng hành cổ vũ.

Cuối tuần này, vòng 12 V.League 2022 sẽ tiếp diễn. Tâm điểm sẽ là trận quyết đấu trên sân Hàng Đẫy giữa Hà Nội FC và Hoàng anh Gia Lai (HAGL). Đây là hai đội bóng đang là những ứng cử viên nặng ký nhất của chức vô địch, Hà Nội đang đứng đầu, HAGL xếp thứ 2.

Một kỷ lục đã xảy ra: CLB Hà Nội đã mở bán vé trực tuyến từ 10 giờ sáng 9/8 trên trang web chính thức và độ “hot” của trận đấu đã được kiểm chứng khi chỉ sau 24 giờ, toàn bộ 6500 vé + 2000 vé được bán bổ sung sang hình thức trực tuyến đã “SOLD OUT”. Cơn sốt vé từ trận đấu tâm điểm cũng là nguyên nhân vì sao hiện tượng phe vé bắt đầu xảy ra. Giá vé được bán trên website của CLB Hà Nội dao động từ 50 - 60 - 80 - 100 nghìn đồng tùy khu vực. Nhưng đến khi vé được “SOLD OUT”, giá vé đã bị đôn lên đến 1 triệu đồng và rất có thể sẽ còn bị tăng giá cao hơn nữa. 500 vé cuối cùng được bán trực tiếp tại Sân vận động Hàng Đẫy, người hâm mộ chân chính cũng phải toát mồ hôi mới có được, nhiều người phải trả cái giá quá đắt.

Trận Sông Lam Nghệ An đá với Hà Nội trên sân Thủ đô nhưng khán giả xứ Nghệ lại chiếm số lượng áp đảo.

Vì sao lại xảy ra hiện tượng trên? Câu trả lời: Do đối thủ là HAGL. Nên nhớ rằng, không chỉ mùa này và sân Hàng Đẫy, ngay cả khi đội bóng bầu Đức sa sút thì đi đến đâu, các sân mà họ có mặt đều được hưởng lợi. Rất đông khán giả đã đến sân theo dõi, xin chữ ký các ngôi sao Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… ngay ở buổi tập. Còn khi thi đấu, các khán đài đều rất đông khán giả một cách bất thường. Đấy là cái lý để bầu Đức nhiều lần nói rằng, ông không cần phải vô địch bằng mọi giá. Đội HAGL được khán giả yêu thương là phần thưởng cao quý nhất.

 Triết lý của bầu Đức thật đáng lưu tâm, trong bối cảnh giải chuyên nghiệp đã 22 mùa nhưng luôn trong tình trạng các khán đài nguội lạnh “thượng đế”. Thậm chí, ngay cả Hà Nội FC, đội bóng nhiều thành tích nhất hiện nay vẫn chưa thể lôi kéo được người hâm mộ Thủ đô. Đấy là nỗi đau sâu sắc với bầu Hiển. Bản thân ông đã dùng nhiều cách, trong đó mời nghệ sĩ Chí Trung làm Chủ tịch Hội cổ động viên, cùng một loạt phương thức lôi kéo khán giả đến sân một cách chung tình, đến nay vẫn đạt kết quả chưa như mong muốn.

Trong khi đó, một số đội bóng thành tích cũng không nổi bật, vẫn quy tụ được đông đảo người hâm mộ nhà, như: Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định. TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước nhưng sân Thống Nhất luôn nằm trong nhóm ít khán giả nhất.

Trong sơ đồ phát triển của một nền bóng đá mà FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Á đưa ra, khán giả cùng truyền thông là hai “tiền đạo”. Nói thế để thấy tầm quan trọng của khán giả lớn đến mức nào. Nói cách khác, không kéo được khán giả đến sân thì bóng đá chỉ là vô nghĩa, sẽ chết!

SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam đã thổi một nguồn cảm hứng mới với khán giả nhà, nhất là U23 Việt Nam đã vô địch. Sau đó, các chàng trai U23 thế hệ “mới toanh” cùng Huấn luyện viên Gong Oh-kyun lại thi đấu rất ấn tượng tại Vòng chung kết U23 châu Á. Cộng thêm hai năm dịch bệnh bị “cầm chân”, khán giả đã bắt đầu muốn đến sân vào cuối tuần để xem các ngôi sao quốc nội thi đấu. Các fan đến sân theo dõi V.League 2022 đã tăng mạnh so với các mùa trước. Vòng 11 vừa qua đã xác lập kỷ lục: Lần đầu tiên ở mùa bóng năm nay, ghi nhận con số khán giả trung bình tới sân ở một vòng đấu lên tới 8.400 người/trận. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn ngày càng mạnh mẽ của giải. Việc nhiều CLB mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ cũng đã tạo dựng được bản sắc, khiến khán giả đã có thêm động lực để đến sân.

Mỗi mùa giải, ngôi vô địch và xuống hạng chỉ có một. Do đó, các CLB nên hướng đến sứ mệnh cao cả: đá trung thực, cống hiến vì khán giả. Khi khán giả yêu thương thì mới tạo ra các giá trị gia tăng, như bán vé, đồ lưu niệm, thu hút quảng cáo, tài trợ. Đấy mới là con đường phát triển lâu dài và bền vững của bóng đá chuyên nghiệp.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.