Multimedia Đọc Báo in

Nước với Tây Nguyên

08:48, 26/10/2023

Trong cộng đồng người Tây Nguyên, ở mỗi vùng cư trú thường có những nhà “thần học” giỏi việc phán đoán nắng mưa được nhân dân tôn vinh là pơtao Ia, pơtao Puh - một số nhà dân tộc học dịch là vua Nước, vua Lửa.

Chữ “vua” ở đây không có nghĩa là vua hành chính mà là để chỉ một thế lực, một quyền năng (thần quyền). Với thời tiết đặc thù của thiên nhiên Tây Nguyên, cứ 6 tháng mùa khô, 6 tháng mùa mưa, sự đói no trông cậy vào Yàng xoong (trời cho).

Muốn cải tạo tình trạng này không có cách nào khác là phải tạo ra các công trình thủy nông nhằm phân bố lại nước cho những vùng đất đai vốn đã rất cao độ phì nhưng vì thiếu nước mà câu chuyện cây - con chưa bao giờ ổn định. Công trình Ayun Hạ, một công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên đã được nghiệm thu nhiều năm nay và được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao là một ví dụ.

Trong trường ca “Bazan khát” của nhà thơ Thu Bồn, tôi cứ bị ám ảnh mãi mấy câu: “nước có bao giờ lặng yên/cỏ một vùng hiu hắt/thảo nguyên gió lăn bánh/bụi mù taman lửa...”. Taman lửa, ấy là đồng cỏ cháy, ấy là đất bazan khát và đó là bức tranh của Tây Nguyên thuở trước. Gần nửa thế kỷ qua, bazan vẫn khát, nhưng có thể nói cái khát bây giờ không còn khát như ngày nào bởi “nước có bao giờ lặng yên” và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có bao giờ lặng yên. Thế nên mới có Ayun Hạ.

Nhớ lại ngay từ những năm sau khi hai miền Nam - Bắc thống nhất, có thể nói việc xây dựng các công trình thủy lợi luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Ayun Hạ là một công trình lớn nhất và được quan tâm sớm nhất, nhưng vì có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nên phải ngưng lại cho mãi tới ngày 17/3/1990, vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, công trình mới chính thức được khởi công và kết thúc vào ngày 31/12/2001. Đến nay dự án đã hoàn thiện hơn 20 năm đã bàn giao cho địa phương khai thác và quản lý toàn bộ. Các sản vật của Tây Nguyên vốn được người tiêu dùng ở các thành phố lớn rất ưa thích. Ngày xưa ta vẫn nghe câu ca: “Măng le chở xuống, cá chuồn chở lên” thì bây giờ không chỉ măng le chở xuống, mà cá thác lác cũng chở xuống thường ngày, trong tương lai còn nhiều loại hải sản đặc thù của Tây Nguyên sẽ được khai thác nhiều hơn nữa, đó là niềm tự hào của bà con Ayun Pa.

Nói về cái khát nước của bazan, Thu Bồn viết: “Rừng cao su nhựa trắng hắt lên trời”, vậy mà “quê của nước và quê của gió/sóng đánh giạt bờ” nhưng ở xứ sở này thì: “ngước mắt nhìn trời chỉ thấy mưa rơi/mưa rơi vào lòng hạn hán”... Và: “Mẹ xích đạo sinh đứa con nâu đỏ/sinh những trái tim máu rỏ/đất Bazan là đất khát mặt trời”. Ông là người đầu tiên lên tiếng kêu “Bazan khát” với một tình cảm rứt ruột, rỏ máu. Cái khát này là cái khát không chỉ khát nước, tất nhiên. Nhưng ông đã nhìn thấy rằng, muốn xây dựng Tây Nguyên giàu và đẹp, việc đầu tiên phải giải quyết khâu nước. Có nước là có tất cả. Ở Tây Nguyên, từ thuở xa xưa, trong tất cả các lễ tục của mỗi buôn làng thì lễ cúng bến nước là lễ quan trọng bậc nhất. Đi tìm nơi cư trú cho cộng đồng, đầu tiên là đi tìm nguồn nước. Đó là một công việc khó khăn và nhiều phức tạp nhất, dễ gây nên những tranh chấp, thậm chí gây nên những cuộc chiến tranh bộ tộc thương tâm.

Hồ chứa nước Ea H’leo 1 (huyện Ea H’leo). Ảnh: Hoàng Tuyết

Trước khi triển khai dự án xây dựng công trình thuỷ lợi Ayun Hạ, theo tôi được biết, thời điểm di dân lòng hồ là thời điểm nhạy cảm nhất. Không thể nói hết được cảm xúc của những người trực tiếp chứng kiến cảnh bà con phải di dời khỏi nơi cư trú ngàn đời. Nhiều cảnh buồn thương xót xa đến nao lòng, nhưng rõ ràng không thể khác được. Bà con cũng biết thế. Anh chị em công trường cũng biết thế...

Hãy hình dung, cùng một thời điểm 18 làng, 1.040 hộ với hơn 5.000 người dân dân tộc Bahnar và J’rai phải rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình đến nơi ở mới, không buồn không lưu luyến sao được? Các anh chị em làm trực tiếp ở công trường nhiều lần phát khóc khi chứng kiến cảnh bà con cúng Yàng, xin Yàng xá lỗi cho việc di dời và nhìn những ngọn lửa đốt lên phừng phừng trong ánh mắt xót xa, nhớ tiếc của bà con. Hơn 800 ha đất canh tác cùng với đất thổ canh, thổ cư, tổng cộng là 3.700 ha ngập trong lòng hồ. Đó là các con số, cái không cân đong đo đếm được, ấy là ngàn năm phong tục tập quán, đời nọ đời kia nối tiếp nhau sinh tồn trên vùng đất này. Nay phải ra đi đến nơi ở mới, vẫn biết là rồi sẽ khá hơn, nhưng liệu có ai nói rằng tôi thích di dời?

Có thể nói, thung lũng Ayun Pa là một trong những cái nôi văn hóa lớn nhất của bà con dân tộc J’rai. Nhiều bài hát kể rằng nơi đây thuở xa xưa là vùng đầm lầy, chung quanh vùng đầm lầy này là những cánh rừng đại ngàn với đủ mặt các loài muông thú từ voi, hươu, nai, hổ, báo, công, trĩ, bò tót, tê giác... Cảnh sinh hoạt sầm uất của các buôn làng cùng với những luật tục vô cùng khắc nghiệt, nhất là luật tục dời làng. Họ chỉ dời làng khi làng bị lửa ăn do cháy rừng, do dịch bệnh và do những cơn lũ lụt thiên tai bất ngờ ập xuống. Tóm lại là do thần linh, do trời không ưng cho ở thì phải đi...

Việc khai thác tài nguyên nước ở Tây Nguyên là cả một chương trình lớn, nhiều dự án đã và đang được thực thi, nhưng công trình Ayun Hạ mãi mãi là dấu ấn đầu tiên, một dấu ấn đẹp rất đáng tự hào. Tôi đã có nhiều năm sống, chiến đấu và làm việc ở vùng hạ lưu sông Ayun, mùa khô đất núi khét mù bụi. Thung lũng Ayun Pa nơi gặp gỡ của hai con sông lớn là sông Ayun và sông Pa, mùa mưa nhiều năm lũ quét gây nên không biết bao nhiêu cảnh thương tâm. Chuyện ấy bây giờ đã chấm dứt. Chấm dứt luôn cảnh luân canh làm rẫy phá rừng, gây nên những vụ cháy khủng khiếp. Mẹ Lúa bây giờ không phải quá nhọc nhằn leo núi về kho, mà Mẹ về kho từ ruộng nước hai vụ, ba vụ với năng suất 7 - 8 tấn/ha/vụ, có nơi tới 10 - 12 tấn/ha/vụ.

Vai trò của nước với Tây Nguyên và Tây Nguyên với nước hy vọng ngày càng được các nhà khoa học và các nhà quản lý quan tâm. Bazan chỉ hết khát khi có hệ thống nước tưới tiêu khắp mọi địa hình của cao nguyên, và cảnh cháy rừng khủng khiếp cũng sẽ được chấm dứt khi nước về với buôn làng. Có nước đời sống bà con các dân tộc sẽ không còn cảnh đói nghèo…

Trung Trung Đỉnh


Ý kiến bạn đọc