Multimedia Đọc Báo in

Chông chênh cầu tạm ở Đắk Liêng

08:12, 18/06/2023

Là địa phương có nhiều nhánh suối nhỏ chảy qua nên trên địa bàn xã Đắk Liêng (huyện Lắk) tồn tại nhiều cây cầu, tuy nhiên đều là cầu tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Bắc qua suối Đắk Liêng, cầu tạm nằm ở khu vực cánh đồng Hòa Bình 2 là công trình phục vụ sản xuất của bà con nơi đây. Cầu có chiều dài khoảng 25 m, được ghép lại bởi những thanh sắt tạm bợ, trụ cầu cũng được người dân địa phương tận dụng từ những trụ điện, trụ bê tông và một số cây tre chằng néo bằng dây thun. Mặt cầu chỉ rộng chưa đến 1 m, đủ lọt cho một chiếc xe máy hoặc một người đi bộ. Tạm bợ là thế, nhưng hằng ngày, nhất là vào cao điểm mùa thu hoạch lúa, mỗi ngày có đến hàng chục lượt, thậm chí cả trăm lượt người qua lại cây cầu này.

Ông Phạm Ngọc Lưu, thôn Hòa Bình 2 cho biết, cây cầu này đã tồn tại hàng chục năm qua. Biết là nguy hiểm nhưng đây là lối đi gần nhất nên người dân đành liều mình qua lại mỗi ngày. Đã vậy, mỗi vụ lúa người dân phải mất thêm một khoản chi phí rất lớn để vận chuyển qua cầu tạm. Gia đình ông có 1 ha lúa phía bên kia cầu, ngoài chi phí thuê gặt, ông phải thuê vác lúa qua cầu này với giá 7.000 đồng/bao.

Cầu ở cánh đồng Hòa Bình 2, xã Đắk Liêng được làm một cách tạm bợ.

Cánh đồng Hòa Bình 1, 2, 3 rộng khoảng 200 ha, mỗi năm hai vụ lúa, do vậy vào cao điểm mùa gặt, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đi lại, nhu cầu vận chuyển hàng nghìn tấn lúa tươi qua cầu tạm này.

Còn tại khu vực cánh đồng buôn Tơr, dù ở cạnh Quốc lộ 27 nhưng hàng chục năm nay, người dân có đất sản xuất ở đây cũng phải liều mình đi qua cầu gỗ được làm bằng gỗ tạp, vít lại với nhau bằng đinh sắt. Do số lượng người đi lại nhiều, một số vị trí các thanh gỗ bị gãy, rời rạc.

Chị H’Nôi Lứk, buôn Drên B, xã Đắk Liêng chia sẻ, mỗi lần đi qua cầu gỗ rất sợ, phải xuống đi bộ và dắt xe qua. Mùa gặt đến, dù đường nội đồng chỉ cách Quốc lộ 27 tầm 10 m ngang nhưng do cầu tạm, yếu nên các hộ có ruộng ở cánh đồng buôn Tơr đều phải để lúa bên chân cầu và vận chuyển từng bao bằng xe máy qua cầu.

Mỗi lần qua cầu gỗ ở cánh đồng buôn Tơr, xã Đắk Liêng những người không vững tay lái phải dắt xe vì sợ ngã.

Theo thống kê của UBND xã Đắk Liêng, hiện trên địa bàn có 13 công trình cầu, trong đó có hai cầu tạm gồm một cầu ở đường nội đồng Hòa Bình 2 và cầu gỗ ở cánh đồng buôn Tơr. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng Ma Văn Hoàn cho biết, hằng năm địa phương tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng của các công trình cầu giao thông trên địa bàn xã. Nếu công trình nào xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng thì cảnh báo để người dân biết và hạn chế lưu thông. Riêng đối với cầu ở cánh đồng thôn Hòa Bình 2, địa phương đã đưa vào danh mục đề xuất xây dựng cầu mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Còn cầu gỗ buôn Tơr, địa phương nhiều lần có văn bản đề nghị xây dựng nhưng đã có văn bản của cấp trên trả lời không được đấu nối với Quốc lộ 27. Do vậy hằng năm nếu có hư hỏng thì xã huy động bà con sửa chữa để phục vụ đi lại, sản xuất.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc