Multimedia Đọc Báo in

Cần bịt “kẽ hở” của xe hợp đồng

08:53, 19/11/2023

Theo quy định hiện hành, thủ tục để một đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng rất đơn giản, trong khi đó, đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định phải chịu rất nhiều các điều kiện. Đây chính là những “kẽ hở” để các xe hợp đồng “trá hình” hoạt động rầm rộ, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.

Thông tin về việc một số tuyến xe buýt từ TP. Buôn Ma Thuột đến huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 1/12/2023 đặt ra nhiều vấn đề về thực trạng cũng như công tác quản lý vận tải hành khách ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Xe buýt không thể cạnh tranh nổi với hàng loạt xe cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn hoạt động đón, trả khách, thậm chí có nhiều xe gắn mác hợp đồng nhưng lại đón, trả khách như xe tuyến cố định.

Xe hợp đồng dừng, đỗ ở điểm dừng xe buýt trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột).

Thực tế, các quy định đối với vận tải tuyến cố định rất chặt chẽ, xe vận chuyển hành khách tuyến cố định phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước cả hai đầu bến xe. Trong khi đó, xe hợp đồng chỉ cần đăng ký với Sở Giao thông vận tải địa phương về hợp đồng vận chuyển và kèm theo danh sách hành khách. Hơn nữa, xe tuyến cố định muốn điều chỉnh tăng giá vé vào thời gian cao điểm như lễ, Tết phải thông qua hai đầu tuyến và cơ quan quản lý nhà nước, trong khi xe hợp đồng có thể linh hoạt về giá. Để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng, không ít xe hợp đồng vẫn có hợp đồng vận chuyển khách (ghi rõ nơi đón, nơi trả) song, hầu hết khách trên xe đều là khách lẻ do lái xe gom tại nhiều địa điểm khác nhau (đón tại nhà riêng, tại cơ quan, đơn vị, điểm dừng xe tuyến cố định…). Dịch vụ này thuận tiện cho hành khách, nhưng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa hai loại hình.

Một xe hợp đồng đón khách trên đường Y Ngông (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại cuộc họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch đơn giản, thuận tiện hơn so với kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi. Điều này dẫn tới thực trạng một số doanh nghiệp sử dụng xe ô tô đăng ký kinh doanh vận tải hợp đồng (không phải vào bến xe) để tổ chức khai thác theo hình thức vận tải tuyến cố định… Kéo theo tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định diễn biến phức tạp tại một số địa phương.

Ông Khuất Việt Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, đặc biệt là tại các đơn vị kinh doanh vận tải có tổ chức đón, trả khách tại các văn phòng đại diện, địa điểm cố định trong khu vực nội thành, nội thị chưa được chú trọng và chưa quyết liệt. Trong khi đó, một số quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ được đánh giá là khó quản lý trong thực tiễn. Đơn cử như việc xác định tỷ lệ số chuyến xuất phát, kết thúc cùng một điểm trong 1 tháng của xe hợp đồng là rất khó. Do đó, có tình trạng xe hợp đồng xuất phát tại nhiều địa điểm (nhà riêng, cơ quan, đơn vị và trên các tuyến giao thông) rất khó xử lý, đó là thực trạng chung của xe gắn mác hợp đồng nhưng lại hoạt động “trá hình” tuyến cố định.

Việc siết các quy định liên quan đến điều kiện hoạt động của xe hợp đồng là hết sức cần thiết, trước hết bảo đảm tính công bằng giữa các loại hình vận tải hiện nay. Đặc biệt, ngăn chặn tình trạng "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng chạy như xe tuyến cố định, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách và từng bước siết chặt hoạt động của xe hợp đồng vốn tồn tại nhiều bất cập.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, hiện toàn quốc có 17.650 xe đăng ký kinh doanh theo tuyến cố định, trong khi đó có đến 239.916 xe đăng ký kinh doanh theo hợp đồng (bao gồm cả xe dưới 9 chỗ), nhiều gấp 14 lần so với xe tuyến cố định.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc