Multimedia Đọc Báo in

Áp lực đè nặng lên rừng

06:16, 30/09/2022

Trong nhiều năm qua, những công trình/dự án xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, thủy lợi, thủy điện, khu dân cư mới… phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn Đắk Lắk đã lấy đi không ít diện tích rừng tự nhiên ở đây.

Hiện tại, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh chỉ còn lại chưa tới 568.000 ha (con số này năm 2000 là gần 684.000ha). Số diện tích rừng còn lại ít ỏi này hiện cũng đang tiếp tục đối mặt trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng và phức tạp hơn. Mặc dù các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương các cấp đang nỗ lực tìm mọi biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên nhìn những gì đang diễn ra trên thực tế thì dường như công tác quản lý, bảo vệ rừng tại hầu hết các địa phương không được cải thiện đáng kể.

Diện tích rừng tự nhiên còn lại của Đắk Lắk hầu hết đã có chủ. Ngoài 2 vườn quốc gia (Yok Đôn, Cư Yang Sin), 2 khu bảo tồn (Nam Ka, Ea Sô) và 4 ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (Buôn Đôn, Krông Năng, Lắk, Núi Vọng Phu - huyện M'Drắk) và 15 công ty lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 2/3 diện tích rừng nói trên, số còn lại khoảng 82.000 ha được các huyện giao cho chính quyền xã và hộ dân, cộng đồng nhận quản lý, bảo vệ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. 

Diện tích rừng tại huyện Lắk bị phá để canh tác nương rẫy. Ảnh: Minh Thông

Sẽ không có gì để nói nếu như không có những áp lực đè nặng lên rừng, khiến các chủ rừng phải đau đầu và “mất ăn, mất ngủ” trước nhiệm vụ được giao. Mỗi chủ rừng, loại rừng đều có “nỗi khổ” khác nhau. Đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng được xem là “nóng” nhất. Trong những cánh rừng kể trên chưa bao giờ được yên tĩnh vì tình trạng khai thác gỗ lậu, săn bắn động vật hoang dã và đặc biệt là vấn nạn hủy hoại rừng bằng nhiều cách (phun thuốc khai quang, cưa đốn một phần thân cây cho chết dần) - sau đó đốt bỏ để lấy đất sản xuất khiến tài nguyên rừng ở đây suy giảm ngày càng nghiêm trọng.

Lý giải về “vấn nạn” này, tại nhiều cuộc họp bàn về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng Đắk Lắk, hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng, nhu cầu kiếm sống hằng ngày của người dân, nhất là những khu dân cư sinh sống liền kề với những khu rừng trên là rất lớn và hết sức bức xúc. Phần lớn họ không có nghề nghiệp ổn định, đất đai sản xuất quá ít, quen sống dựa vào rừng… nên việc bất chấp pháp luật, sự răn đe và ngăn chặn của cơ quan chức năng để xâm hại tài nguyên rừng để mưu sinh là thực trạng không dễ kiểm soát, ngăn chặn nổi. Mới đây, Ông Phan Văn Thiết, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (huyện M'Drắk) phản ánh: Nằm cạnh khu vực rừng phòng hộ này, hiện có hàng trăm hộ dân, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh vùng cao phía Bắc di cư vào và chuyên sống bằng nghề “ăn rừng” trên địa bàn xã Cư San, Ea Trang, Cư Króa, Krông Á, Cư Prao… khiến Ban Quản lý không sao kiểm soát nổi, dù đã nỗ lực phối hợp với lực lượng chức năng sở tại (kiểm lâm, công an, quân đội) để trấn áp, ngăn chặn. Hễ cứ vắng bóng lực lượng quản lý, bảo vệ là tình trạng xâm hại tài nguyên rừng lại thường xuyên xảy ra không chỉ đối với hành vi đốt phá rừng làm rẫy, mà nguy hại hơn là việc khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên ngày một gia tăng tại những vùng giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.   

Tương tự, các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên khác trên địa bàn Đắk Lắk cũng vậy, người dân sinh sống gần rừng luôn là mối lo thường trực. Ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn chia sẻ: Áp lực đè nặng lên những cánh rừng ở đây bắt đầu từ sinh kế của hàng chục nghìn hộ dân cư trú trên địa bàn 6 xã vùng đệm: Ea Huar, Ea Wer, Krông Ana (huyện Buôn Đôn), Cư M'lan, Cư Kbang (huyện Ea Súp) và Nam Dong (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Từ trước đến nay họ dựa vào rừng để kiếm sống, vì thế dù có ngăn chặn, kiểm soát gắt gao đến mấy cũng không hạn chế được tình trạng lén lút (có khi ngang nhiên) xâm hại tài nguyên rừng. Vườn Quốc gia Yok Đôn hiện có 17 trạm kiểm soát được bố trí dọc cửa rừng, song vẫn không tài nào chấm dứt được vấn nạn “ăn rừng” diễn ra dưới mọi hình thức. Theo ông Tạo, để giảm áp lực này không có gì bền vững hơn là tìm cách ổn định cuộc sống cho người dân sống gần rừng bằng những giải pháp thiết thực và đồng bộ hơn thông qua chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội bao trùm và dài hạn được hoạch định từ chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, ban, ngành liên quan. 

Rõ ràng, rừng tự nhiên trên địa bàn Đắk Lắk đang trên đà suy giảm hoặc mất đi do nhiều nguyên nhân, trong đó nhu cầu kiếm sống tối thiểu của hàng vạn hộ dân sống dựa vào rừng như một sinh kế được xem là áp lực đáng kể, đáng lo ngại đè nặng lên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm vùng 4 (Cục Kiểm lâm), nếu không sớm giải quyết áp lực này thì rừng Đắk Lắk sẽ tiếp tục suy giảm và mất đi theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước.

                                      Đình Đối


Ý kiến bạn đọc