Multimedia Đọc Báo in

Rừng Ea Kar vẫn “nóng”

08:19, 20/06/2022

Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ea Kar vẫn còn một số tồn tại kéo dài, tình trạng phá rừng trái phép gia tăng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, đến mức phải khởi tố hình sự.

Hơn 4 năm, 299 vụ phá rừng

Theo Quyết định số 642/QĐ-UBND, ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt số liệu rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 31/12/2021, huyện Ea Kar có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 44.153 ha (chiếm 43% tổng diện tích tự nhiên của huyện). Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 29.618 ha, còn lại là diện tích đất chưa có rừng. Hơn 88% rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar và Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại Phúc Nguyên quản lý; diện tích còn lại do UBND các xã quản lý.

Hiện trường một vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Hầu hết diện tích rừng trên địa bàn huyện đã có chủ nhưng tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra nhiều, có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tính từ năm 2018 đến hết quý I năm 2022, diện tích rừng trên địa bàn huyện bị suy giảm trên 1.655 ha, chủ yếu thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Trong đó, chỉ tính riêng 701,39 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép được cập nhật lên phần mềm đã là 299 vụ vi phạm, trong đó có 7 vụ phải khởi tố hình sự.

Theo số liệu của Công an huyện Ea Kar, chỉ tính trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, Công an huyện đã phát hiện, xử lý 19 vụ, 46 đối tượng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; điều tra làm rõ, khởi tố 2 vụ án với 41 bị can, trong đó có 3 bị can nhận hối lộ trong vụ án về khai thác rừng là cán bộ kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Điều đáng nói, có 935,75 ha biến động về rừng, đất rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra trước năm 2020 nhưng đơn vị chủ rừng không nắm được diện tích rừng trên bị suy giảm vào năm nào.

Lỗ hổng trong quản lý và bảo vệ

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar là doanh nghiệp được giao quản lý diện tích rừng lớn với trên 11.827 ha nhưng cũng là đơn vị để xảy ra nhiều vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, lấn chiếm, hủy hoại đất lâm nghiệp nhiều nhất trên địa bàn huyện. Trong đó nhiều vụ không xác định được đối tượng vi phạm, nhiều diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm không xác định được thời điểm biến động.

Lực lượng chức năng huyện Ea Kar tịch thu phương tiện, tang vật trong vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar Nguyễn Phi Tiến cho biết, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhiều vị trí chủ chốt, địa bàn quản lý rộng, manh mún, không tập trung, lực lượng mỏng. Thêm vào đó, việc khai thác, vận chuyên lâm sản trên lâm phần Công ty quản lý rất phức tạp, đặc biệt là khu vực giáp ranh huyện Krông Bông. Các đối tượng manh động, chống đối quyết liệt. Diện tích rừng bị suy giảm trong những năm trước đây chưa có kinh phí để rà soát đồng bộ hiện trạng rừng trên hệ thống theo dõi diễn biến rừng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Ea Kar, diện tích rừng trên địa bàn huyện thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar bị suy giảm là do ban lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Điều 79, Luật Lâm nghiệp năm 2017. Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để rừng bị phá, lấn chiếm trong thời gian dài không có biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để; chưa chủ động lập kế hoạch triển khai thực hiện quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan để có lực lượng đủ mạnh trấn áp các đối tượng vi phạm. Đồng thời, chưa nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo cập nhật, theo dõi diễn biến rừng trên lâm phần quản lý. Các chủ rừng còn lại cũng chưa làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, chưa phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, tuần tra, giám sát, nắm bắt biến động rừng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục tư tưởng nên một số cán bộ, nhân viên bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 19/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh và của địa phương, theo Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà, các chủ rừng cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, đẩy mạnh và đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái pháp luật. Cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm để răn đe.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.