Multimedia Đọc Báo in

Nan giải công tác quản lý chất lượng hàng online (Kỳ 2)

07:58, 28/08/2024

Việc kinh doanh online thuận tiện, dễ dàng với đa dạng hình thức đã trở thành “miếng mồi béo bở” để gian thương thực hiện trót lọt các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Kỳ 2: Dễ thực hiện nhưng… khó kiểm soát

Các đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” pháp luật hoặc sử dụng “chiêu trò” đối phó với lực lượng chức năng, khiến công tác quản lý và kiểm soát chất lượng hàng hóa gặp khó khăn.

Nhiều thủ đoạn né tránh

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk, để trục lợi bất chính, một số đối tượng đã lợi dụng công nghệ thông tin nhằm đưa các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng… vào lưu thông. Đồng thời, liên tục thay đổi phương thức hoạt động mới, thủ đoạn ngày càng tinh vi để đối phó với sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.

Thủ đoạn phổ biến hiện nay của các đối tượng này là chủ yếu dùng nhà riêng, thuê chung cư để làm nơi bán hàng nhưng không treo biển hiệu và không đăng ký hoạt động kinh doanh. Sau đó, dùng các tài khoản mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hoặc lập các nhóm kín trong Zalo để quảng cáo, livestream bán hàng.

Đơn cử, ngày 10/1/2024, thông qua công tác giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cá nhân kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện trường hợp ông T.N.Đ. (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) sử dụng nhà ở để kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm kém chất lượng. Tại thời điểm kiểm tra, ông Đ. đang bày bán hơn 1.300 sản phẩm kem trắng da, dưỡng ẩm da… trên nhãn mác không thể hiện nội dung về nguồn gốc, xuất xứ và không xuất trình được hóa đơn hoặc chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Ông Đ. khai nhận đã mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường về quảng cáo, bán kiếm lời qua mạng xã hội Facebook mà không đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên mạng mặt hàng quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu (tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột).

Ngoài kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn thiết lập website để quảng bá, giao dịch hàng hóa nhưng không thông báo, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định để buôn bán hàng hóa trái phép. Như vào đầu tháng 5/2024, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh của bà N.T.H. chủ doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện DN này đang sử dụng website có chức năng đặt hàng trực tuyến để bán hàng mà không thông báo với Bộ Công Thương. Đồng thời, phát hiện DN đang bày bán hàng hóa là thực phẩm trái cây sấy khô nhưng không có nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ DN cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không có cửa hàng, kho hàng mà chỉ hoạt động dưới hình thức "cộng tác viên". Họ thực hiện quảng cáo sản phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, khi có khách hàng đặt mua thì mới nhập hàng về hoặc giao dịch trung gian hưởng chênh lệch giữa người bán và người mua. Ngoài ra, một số gian thương còn phân tán nhỏ lẻ, cất giấu và đóng gói hàng hóa tại nhiều địa điểm rồi chuyển đến các kênh giao hàng khác nhau khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện.

“Lỗ hổng” trong quản lý

Thời gian qua, Cục QLTT Đắk Lắk đã chỉ đạo Tổ công tác TMĐT phối hợp với các đội QLTT trực thuộc chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, tiến hành truy vết, tổ chức kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả trong việc giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh online. Đồng thời, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh và tin tố giác vi phạm trong hoạt động TMĐT trên website và Facebook của Cục. Nhờ vậy, khoảng 40% các vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh online là từ tin báo của người dân.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk Vương Minh Sơn, thực tế việc kinh doanh online dễ thực hiện nhưng lại khó kiểm soát do công tác quản lý vẫn tồn tại những “lỗ hổng” để các đối tượng xấu lợi dụng tiến hành các hành vi gian lận thương mại.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, bằng chứng vi phạm cụ thể nhưng hầu hết các hoạt động giao dịch hàng hóa trên không gian mạng đều không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Phần lớn người tiêu dùng khi mua hàng online gặp các vấn đề như hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu… chưa trình báo đến cơ quan chức năng nên không có căn cứ để đấu tranh, xử lý.

Hơn nữa, với hình thức kinh doanh online thì tất cả các thông tin về người mua bán gần như được ẩn danh, bảo mật bởi đơn vị quản lý TMĐT; thông tin về việc giao dịch hàng hóa được mã hóa hoặc trao đổi riêng tư giữa bên mua và bán.

Ngoài ra, các website, tài khoản mạng xã hội có thể được lập và đóng lại dễ dàng trong thời gian ngắn. Lợi dụng điều này, các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện sẽ nhanh chóng khóa tài khoản, xóa bỏ hoặc thay đổi nội dung, chứng cứ. Trong khi đó, chưa có cơ chế, sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến với lực lượng QLTT để truy cập, thẩm tra, xác minh thông tin khi có dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm không đồng bộ, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung những phát sinh mới trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên TMĐT. Hiện nay, mới chỉ có quy định về việc thông báo, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về việc thiết lập website, TMĐT bán hàng, còn đối với các cơ sở kinh doanh online chưa có quy định cụ thể, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát…

Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý 262 cơ sở vi phạm trên nền tảng TMĐT, với tổng số tiền xử phạt hành chính trên 5,7 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 1,7 tỷ đồng.

 

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Để không mắc “bẫy” khi mua hàng online

Mai Khánh


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.