Những startup trong học đường
Việc khơi gợi tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học đường những năm qua đã được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm bằng những hoạt động thiết thực. Từ đó, nhiều startup với dự án khởi nghiệp triển vọng được phát hiện, bồi dưỡng và đã có những thành công bước đầu.
Khởi nghiệp từ sản phẩm len handmade
Nhận thấy đồ handmade đang là xu hướng ưa thích của giới trẻ và dần lan rộng ra mọi lứa tuổi, từ tháng 7/2023 nhóm 5 bạn trẻ có cùng đam mê đan móc: Nguyễn Trần Khôi Nguyên, Lục Nguyễn Uyên Chi, Lê Thị Thuý Nga, Võ Thu Thảo và Phạm Ngọc Hân (đều là học sinh lớp 11, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên) đã có ý tưởng kinh doanh các mặt hàng làm bằng len thủ công.
Em Nguyễn Trần Khôi Nguyên (bên trái) giới thiệu sản phẩm len hanmade của nhóm đến khách hàng. |
Để hiện thực hóa ý tưởng, các bạn trong nhóm đã cùng nhau góp tiền mua nguyên liệu len sợi về làm sản phẩm và phát triển kênh bán hàng online. Các sản phẩm mà nhóm làm thường là những vật dụng xinh xắn, dễ thương như móc khóa, phụ kiện tóc (băng đô cài tóc, dây cột), túi xách, mũ, áo, hoa để bàn... với mức giá bán dao động từ 40.000 - 180.000 đồng/sản phẩm (tùy theo kích cỡ). Để thu hút khách hàng, các thành viên trong nhóm đã “biến tấu” sản phẩm trở nên độc đáo, mới mẻ hơn thông qua việc đa dạng hóa kiểu dáng, họa tiết, cách phối hợp nhiều màu sắc, loại len khác nhau… Cùng với đó, nhóm startup đã đăng và chia sẻ hình ảnh, thông tin về sản phẩm lên trang Facebook cá nhân, các hội nhóm đam mê đồ handmade. Đồng thời, lập ra fanpage mang tên “Sắc handmade” để giới thiệu, tư vấn cho khách hàng chọn mua và đặt làm những món đồ ưng ý, phù hợp. Ngoài những sản phẩm làm sẵn, nhóm cũng nhận làm sản phẩm theo ý tưởng, yêu cầu của khách hàng kèm theo đó là dịch vụ gói quà; cung cấp các dụng cụ, nguyên liệu và video hướng dẫn để khách hàng có thể tự tay làm ra được một sản phẩm đan móc thủ công.
Các sản phẩm của nhóm làm ra đều có mẫu mã khác nhau, không trùng lặp và có sự thay đổi để phù hợp với từng ngày lễ, sự kiện cũng như cá tính của mỗi khách hàng. Thông thường thời gian để làm ra một sản phẩm len thủ công ít thì 2 tiếng, nhiều thì 2 - 5 ngày. Ban đầu, nhóm chủ yếu bán cho người thân, bạn bè và các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có nhiều khách hàng ngoại tỉnh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… biết đến và đặt mua sản phẩm. Hiện, trung bình mỗi tháng, nhóm bán từ 20 - 30 sản phẩm. Số tiền thu được từ việc bán sản phẩm, nhóm dành một phần để làm vốn xoay vòng, phần còn lại dùng để trang trải cho việc học tập.
Em Nguyễn Trần Khôi Nguyên, một thành viên trong nhóm cho biết, với chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt cùng giá cả hợp lý, các sản phẩm của nhóm đều nhận được đánh giá và phản hồi tích cực từ khách hàng. Trong thời gian tới, nhóm sẽ hướng đến phân phối sản phẩm cho các cửa hàng phụ kiện, quần áo tại TP. Buôn Ma Thuột. Cùng với đó là tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm đan móc khác phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng để mở rộng đối tượng khách hàng.
Mới đây, tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2023 do Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức, dự án “Tiệm len handmade sắc màu – Hy vọng mới” của nhóm đã đạt giải Nhì.
Tự động hóa quy trình chế biến chanh dây
Với mong muốn tự động hóa quá trình tách ruột chanh dây thay thế cho phương pháp thủ công hiện đang được sử dụng ở hầu hết các hộ gia đình và cơ sở chế biến chanh dây tại địa phương, năm 2022, nhóm nghiên cứu của Trường THCS và THPT Đông Du, gồm các học sinh: Vi Thị Thu Hà (lớp 12A1), Lê Trần Đăng Khoa (lớp 10A1), Lê Trần Nhật Khoa (lớp 10A1), Phạm Ngọc Thiên Thư (lớp 10A5), Trần Võ Thiên Ân (lớp 10A3) đã cùng nhau xây dựng dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút ruột chanh dây nhằm tự động hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động”.
Nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đông Du giới thiệu máy hút ruột chanh dây tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023. |
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án này, em Phạm Ngọc Thiên Thư, một thành viên của nhóm cho hay: “Khi được đi tham quan thực tế tại các nông hộ và cơ sở chế biến chanh dây, chúng em nhận thấy quá trình thực hiện còn rất thủ công. Hơn nữa, số lượng cây chanh dây trên địa bàn tỉnh lại khá nhiều, nhưng 100% vẫn đang chế biến bằng phương pháp thủ công nên rất mất thời gian. Chưa kể phương pháp này còn cho năng suất thấp, tốn nhiều chi phí thuê nhân công mà lại chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thấu hiểu những khó khăn đó của bà con nông dân, các cơ sở chế biến chanh dây, nhóm chúng em đã cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm máy hút ruột chanh dây".
Ban đầu, dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong trường, các em đã tìm hiểu quá trình sản xuất máy tự động từ những đề tài khoa học kỹ thuật trước đó. Sau khi có nền tảng kiến thức vững chắc, các em đã bắt tay vào chế tạo máy móc. Ban đầu, chiếc máy làm ra còn nhiều điểm chưa được như ý, hạt chanh dây còn chưa tách được hoàn toàn khỏi vỏ. Nhưng nhóm đã cùng kiên trì, nỗ lực để khắc phục và dần hoàn thiện.
Nhờ tinh thần quyết tâm, sản phẩm máy hút ruột chanh dây đã được hoàn thành với đầy đủ tính năng. Quả chanh dây sau khi đưa vào máy được tách ruột hoàn toàn ra khỏi vỏ. Sản phẩm không chỉ giúp cải thiện năng suất lao động mà còn hướng đến việc chuyển đổi hoạt động sản xuất và chế biến chanh đây từ sử dụng lao động thủ công, thô sơ sang sản xuất công nghiệp với phương pháp tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, góp phần tự động hóa quy trình chế biến nông sản ở địa phương, nâng cao giá trị cây chanh dây, từ đó cải thiện đời sống kinh tế của người nông dân.
Nhờ những ý nghĩa thực tiễn đó, dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút ruột chanh dây nhằm tự động hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động” của của nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đông Du đã giành được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhì, lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V cấp quốc gia; giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022; Giải thưởng Vừ A Dính lần thứ 8 năm 2022; giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022. Đây cũng là nguồn động lực để các thành viên của nhóm cố gắng hơn nữa. Từ đó, các em sẽ có những cách làm hay để đưa sản phẩm của dự án vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống.
Khả Lê – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc