Multimedia Đọc Báo in

Nguy hại từ cà phê bột giả (Kỳ 1)

07:57, 02/11/2023

Đầu tư sản xuất cà phê sạch và chế biến sâu là những phương thức hữu hiệu để gia tăng giá trị cho mặt hàng chiến lược này, trong đó có việc sản xuất cà phê bột.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn những bất cập, tình trạng sản xuất, kinh doanh cà phê bột giả vẫn diễn ra, gây tác động không nhỏ đến môi trường kinh doanh, tính cạnh tranh và uy tín các doanh nghiệp làm ăn chân chính; đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Kỳ 1: Cà phê nhưng không có cafeine

Để thu lợi bất chính, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê bột giả đã sử dụng đậu nành giá rẻ thay cho hạt cà phê để rang cháy, tẩm ướp hóa chất tạo màu, hương liệu rồi xay thành bột đóng gói bán ra thị trường.

Cà phê chồn giá... 30.000 đồng/kg

Đầu tháng 7/2022, qua kiểm tra, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện một cơ sở sản xuất cà phê giả, cà phê không có thành phần cafeine mang thương hiệu cà phê chồn với giá chỉ 30.000 đồng/kg, rẻ hơn giá cà phê nhân xô vào thời điểm đó (43.000 - 44.000 đồng/kg).

Hạt đậu nành được rang cháy đen để làm giả cà phê tại cơ sở rang xay gia công của đối tượng Lương Thanh Phương. Ảnh: Viện KSND tỉnh cung cấp

Điều tra ban đầu cho thấy, Lương Thanh Phương (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đã thỏa thuận với một người tên Thắng thực hiện việc làm cà phê bột giả. Phương rang đậu nành trộn với kem bơ, nước mắm, muối mang xay thành bột, đóng gói vào bao bì in nhãn hiệu Cà phê chồn Ban Mê Đại Gia Khang do Thắng cung cấp, bán với giá 30.000 đồng/kg. Tiếp đó, có thêm hai đối tượng khác đặt Phương làm 600 kg cà phê bột giả với cách thức tương tự, đóng gói vào bao bì nhãn hiệu Cà phê Khôi Phát, giá thỏa thuận 30.000 đồng/kg.

Mở rộng khám xét tại hộ kinh doanh Khôi Phát, lực lượng chức năng phát hiện thêm 136 kg cà phê bột đã được đóng gói nhãn hiệu Cà phê trộn cao cấp, nhãn hiệu Khôi Phát và nhãn hiệu Cà phê chồn Ban Mê Đại Gia Khang.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện bất thường trong sản phẩm cà phê bột do bà Doãn Thị Minh Huệ (thôn 16, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đứng tên kinh doanh. Với thành phần chủ yếu là đậu nành, trộn thêm ít cà phê và phụ liệu, bà Huệ không chỉ tự gia công đóng gói cà phê nhãn hiệu Lozio coffee đưa ra thị trường, mà còn cung ứng cà phê bột nhãn hiệu Việt Hoàng coffee cho ông Lê Văn Vũ (thôn 12, xã Hòa Khánh) với giá 45.000 đồng/kg, sau đó ông Vũ bán ra thị trường với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, các sản phẩm này trên bao bì đều công bố có hàm lượng cafeine đạt tối thiểu 1%, thành phần sản phẩm gồm các loại cà phê như Arabica, Robusta, Moka, Catimor... Tuy nhiên, thực tế thành phần chính để chế biến là đậu nành, hóa chất tạo màu, tạo mùi cà phê, chỉ có một lượng nhỏ hạt cà phê thật. Qua giám định của cơ quan chuyên môn, hàm lượng cafeine có trong các sản phẩm này chỉ đạt từ 0,08% - 0,23% (thấp hơn 70% so với công bố và Tiêu chuẩn Việt Nam), theo quy định pháp luật thì đây là hàng giả. Tổng số lượng cà phê bột giả mà cơ quan chức năng đã thu giữ là hơn 1.400 kg.

Mang cà phê giả đi tiêu thụ ở thủ phủ cà phê

Cùng với việc sản xuất cà phê giả, thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc cà phê bột giả sản xuất ở tỉnh khác được vận chuyển đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk để tiêu thụ.

Sản xuất, chế biến cà phê sạch là phương thức hữu hiệu để gia tăng giá trị cho mặt hàng chiến lược này. (Trong ảnh: Du khách tìm hiểu quy trình pha chế cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-2023).

Cụ thể, ngày 20/7/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Đắk Lắk đã phát hiện một đối tượng bán cho bà Phạm Thị Hương Nga (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) 120 gói (loại 500g/gói) cà phê nhãn hiệu Nhật Nguyên, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Kiểm tra trên xe đối tượng này, công an phát hiện 1.122 gói cà phê nhãn hiệu Nhật Nguyên, Tân Nhật Nguyên, khối lượng 561 kg đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Qua điều tra, toàn bộ số cà phê bột trên được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ (TP. Hồ Chí Minh), sau đó vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định. Kết quả giám định cho thấy, hàm lượng cafeine trong các sản phẩm cà phê bột Nhật Nguyên có loại bằng 0, có loại đạt từ 0,0021% - 0,11%, thấp hơn 70% so với hàm lượng cafeine đăng ký công bố chất lượng trên nhãn bao bì.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê Trọng Tín tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Viện KSND tỉnh cung cấp

Trước đó, ngày 19/7/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Đắk Lắk phát hiện một xe ô tô đang lưu thông trên địa phận thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) trên thùng xe có 1.244 kg cà phê bột đã đóng gói gồm các nhãn hiệu cà phê Trọng Tín và chồn mộc rang xay nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua điều tra, khám xét cơ sở sản xuất cà phê Trọng Tín (tỉnh Đồng Nai), chủ cơ sở khai nhận, do giá mua nguyên liệu là cà phê hạt Robusta (đủ tiêu chuẩn) cao, để cạnh tranh giá bán sản phẩm cà phê bột trên thị trường và thu lợi nhuận nhiều hơn nên đã sử dụng thành phần là đậu nành, cà phê hạt bể (mẻ), cà phê hạt non chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với cà phê hạt Robusta (đủ tiêu chuẩn) để trộn vào trong quá trình sản xuất. Kết quả kiểm định của cơ quan chức năng cho thấy các mẫu cà phê bột chỉ có hàm lượng cafeine từ 0,16% - 0,23%, đều không đạt theo tiêu chuẩn.

Từ đầu năm 2022 đến tháng 7/2023, các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, thụ lý 6 vụ việc có dấu hiệu về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là cà phê bột. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm được phát hiện, thu giữ hơn 3,5 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Loay hoay việc quản lý

Băng Châu

 

 


Ý kiến bạn đọc