Cho vay trả nợ ngân hàng khác, người dân thực sự có lợi?
Từ ngày 1/9, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, ngày 28/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 06) chính thức có hiệu lực.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại một ngân hàng khác. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng đã tung ra gói vay ưu đãi cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6,0%/năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ ngày 1/9, khách hàng có thể vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay là 6,9%/năm trong 6 tháng đầu; 7,5%/năm trong 12 tháng đầu; 8,0%/năm trong 24 tháng đầu (mức lãi suất sẽ được Vietcombank điều chỉnh theo tình hình thực tế). Theo đó, khách hàng có thể thế chấp bằng các loại tài sản như: Bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá trị… của khách hàng hoặc người có quan hệ huyết thống (bố/mẹ/con đẻ) hoặc người có quan hệ vợ/chồng với khách hàng hoặc tài sản của chính khách hàng tại tổ chức tín dụng đang vay.
Trong khi đó, khách hàng cá nhân vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất như sau: Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay từ 6,0%/năm; đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay từ 6,8%/năm. Mức cho vay là 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác. Khách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại tổ chức tín dụng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.
Đối với chính sách này tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất chỉ từ 7,3%/năm. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ… Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác để thu hút khách hàng mới như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBANK), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)…
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại tại huyện Lắk. (Ảnh minh họa) |
Dựa theo lý thuyết trên, nếu khách hàng đang vay một khoản vay cũ từ năm 2022 với mức lãi suất trung bình khoảng 11%, lãi suất thả nổi 14 - 15%/năm thì việc được chuyển sang ngân hàng có mức lãi suất cho vay ưu đãi hơn sẽ giảm được áp lực nợ vay đáng kể. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên thì nhiều ngân hàng kể trên tại TP. Buôn Ma Thuột chưa thực sự triển khai chính sách này. Theo tư vấn của nhiều ngân hàng thì khách hàng phải "xoay" một khoản tiền để trả nợ ngân hàng cũ, sau đó sẽ được hỗ trợ cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, tất nhiên là cũng phải mất các phí làm thủ tục, hồ sơ lại từ đầu. Hoặc khách hàng phải có một tài sản đảm bảo khác để giải ngân tại ngân hàng mới, trả nợ ngân hàng cũ.
Anh Nguyễn Quang Thái (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang có khoản vay 800 triệu đồng từ tháng 6/2022 tại một ngân hàng thương mại với mức lãi suất thả nổi, có lúc lên đến 14%/năm, hiện nay là 11,5%/năm. Sau khi tham khảo gói vay trả nợ ngân hàng khác tại BIDV và được tư vấn dùng tài sản khác để đảm bảo khoản vay mới hoặc trả nợ ngân hàng cũ rồi giải ngân ở ngân hàng mới, anh cho biết: “Thời gian qua, lãi suất cao khiến tôi phải chịu rất nhiều áp lực. Nếu có thể vay ngoài để tất toán khoản nợ cũ thì tôi cũng đã thực hiện và làm hồ sơ vay mới chứ không phải chờ đến khi có chính sách này”.
Chưa kể, để tất toán khoản vay cũ, khách hàng cũng phải chịu mức phí phạt trả nợ trước hạn không hề nhỏ, dao động từ 0,5 - 3%. Bà Nguyễn Thị Hương (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vừa trả khoản vay 300 triệu đồng tại một ngân hàng với mức phí phạt 1% để chuyển qua vay ngân hàng mới. Theo bà Hương, nếu chính sách cho vay để trả nợ ngân hàng khác thực sự đi vào đời sống, mà người dân vẫn phải chịu những khoản như phí phạt, các chi phí đăng ký thế chấp mới… hoặc phải có tài sản khác để đảm bảo tại ngân hàng mới thì không khác gì việc người dân tự trả nợ trước hạn và đi vay mới.
Có thể thấy, quy định cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác là chính sách rất kịp thời, cần thiết của NHNN. Tuy nhiên, cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn, sự triển khai đồng bộ để chính sách này thực sự đi vào đời sống, giảm bớt áp lực kinh tế đối với khách hàng. Khách hàng cũng cần cân nhắc, liệu mức phí phạt trả nợ trước hạn, chi phí làm thủ tục, hồ sơ mới và mức lãi suất ưu đãi (đa số đều chỉ ưu đãi thời gian đầu) liệu có sự khác biệt để tránh mất thời gian, nhưng không thực sự hiệu quả.
Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc